(028) 66844775 - 0902760910 banhang@phuclanshop.com
Danh mục sản phẩm

Tự học điện tử: Bài 3: Bạn tự làm quen với việc ráp mạch trên board cắm đa năng.

29 Tháng Tám 2015

Dòng chữ mở đầu...

 

Mùa Đông ở Quincy MA Mỹ, tuyết rơi phủ kín mọi vật, khung cảnh chung quanh một màu trắng xóa, ngoài trời rất lạnh nên ngồi trong nhà ấm soạn các đoạn phim ngắn dạy nghề. Nhớ lại, hồi xưa ngày ngày vào lớp, cùng bàn ghế, bảng đen, tiếng ồn ào của dân mua bán máy móc ở chợ linh kiện điện tử Nhật Tảo và cùng với nhiều Bạn học viên học nghề "ngồi đàm đạo" nói về các ứng dụng của dòng chảy của các hạt electron, ngày nay ngồi trong phòng kiếng trên xứ Mỹ, tứ bề là bông tuyết bay lất phất, ngồi tự biên tự diễn cùng với các thiết bị máy móc lom com tự chế, vừa lượm vừa mua về từ cửa hàng đồ cho goodwill store, ngồi soạn ra các bài giảng về môn điện tử, viết các bài cho trang web phuclanshop.com, nhiều lúc ngẫm nghĩ lại chuyện một đời người bôn ba trong cõi ta-bà ô trọc này được như vậy cũng thấy lòng vui vui... Mong rằng trong mùa Đông giá lạnh năm nay sẽ viết được nhiều bài "Điện tử nhập môn" và trang web phuclanshop.com sẽ được nhiều Bạn ghé vào xem, mong Bạn nhiệt tình giới thiệu trang web nhỏ này cho các Bạn cùng sở thích vào tham gia ý kiến, cùng nhau biến nơi hẻo lánh này thành một điểm học thuật sáng lung linh, chắc chắn nó sẽ có ích cho nhiều người, đó là niềm tin của tôi, nếu được vậy là hạnh phúc lắm lắm rồi...Phải không Bạn?

 

 

 

 

 

 

 1. Tự ráp: Mạch nguồn nuôi DC.

 

 

Trong hầu hết các thiết bị điện tử, mạch nguồn nuôi luôn có vai trò rất quan trọng. Mỗi khi máy bị hư hỏng, việc đầu tiên người thợ thường làm là cho kiểm tra mạch điện cấp nguồn. Ngoài ra trên bàn thợ của Bạn cũng luôn phải có mạch cấp nguồn để Bạn thử máy, hay chạy thử các mạch điện mà Bạn đã ráp thực nghiệm. Do vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ bài: Thử ráp mạch nguồn nuôi DC trên board cắm đa năng.

 

 

* Tìm hiểu các linh kiện dùng trong mạch.

 

Sau đây là các giải thích tóm tắt về các linh kiện mà chúng ta sẽ dùng đến trong bài thực tập này. 

 

 

 

 

Nhắn Bạn: Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác của tôi, cũng ở mục "Trao đổi học tập"  này để có nhiều hiểu biết về các linh kiện điện tử hơn.  

 

 

 

* Phân tích sơ đồ mạch điện.

 

 

Các hình vẽ tay sau đây, tôi dùng để giải thích nguyên lý làm việc của mạch.

 

 

Hình vẽ cho thấy sơ đồ mạch nguồn nuôi DC. Khi có 220V vào ở cuộn sơ cấp của biến áp T1, thì trên cuộn thứ cấp sẽ cho ra 9V, Bạn nhớ đây là điện áp hiệu dụng (rms). Kế đó Bạn dùng 4 diode 1N4007 làm thành cầu nắn dòng, đổi dòng xoay chiều ra dạng dòng xung một chiều, dòng điện xung cho nạp vào tụ hóa lớn, ở đây tụ hóa C1 dùng làm kho chứa điện, lượng điện tích chứa trong tụ dùng ổn định sự tiêu thụ điện của tải. Chúng ta dùng một Led đỏ làm linh kiện chỉ thị, khi dùng Led luôn nhớ dùng điện trở định dòng, Bạn dùng luật Ohm để tính ra trị số của điện trở hạn dòng.

 

 

 

Hình vẽ cho thấy, khi trên cuộn thứ cấp ra pha dương, lúc này dòng điện tử sẽ chảy qua diode D2, D4 và bóng đèn sẽ sáng, và khi trên cuộn thứ cấp cho ra điện áp có pha âm, thì diode D1, D3 thông, dòng chảy qua đèn, bóng đèn sẽ sáng.

 

Từ hình vẽ này, chúng ta thấy, nếu Bạn rút bỏ 1 diode trong mạch, đèn sẽ vẫn cứ sáng, lúc đó từ mạch nắn dòng toàn kỳ đã đổi ra kiểu nắn dòng bán kỳ. Dĩ nhiên Bạn cũng có thể rút bỏ đến 2 diode mà bóng đèn vẫn cứ sáng, phải không? 

 

 

Hình này cho thấy, nếu trên tải không có các tụ hóa làm kho chứa điện, thì mức volt trung bình, Bạn đo volt với Volt kế DC, sẽ là 0.9 của mức volt hiệu dụng. (Lúc này Bạn dùng Volt kế AC, có tụ cách ly, đo trên đường nguồn kim sẽ lên, dấu hiệu này cho thấy sự dợn sóng trên đường nguồn còn rất lớn).

 

Khi trên tải có dùng các tụ hóa lớn làm kho chứa điện, thì mức volt DC, đo được trên Volt kế DC sẽ gần bằng mức volt cực đại. Do vậy chúng ta nói tụ hóa có tính năng làm tăng cao mức áp nguồn. Nó còn làm giảm sự dợn sóng và như vậy cũng đã làm tăng hiệu suất cấp điện cho tải. (Lúc này Bạn làm lại phép đo như trên với một Volt kế AC, kim sẽ không lên, nghĩa là tụ đã làm mất sự dợn sóng trên đường nguồn DC). 

 

 

  

* Hướng dẫn ráp mạch.

 

 

Chúng tôi giải thích mạch nguồn dựa trên sơ đồ mạch điện dưới đây, do đó Bạn nên dùng viết vẽ nháp nhiều lần sơ đồ này cho đến khi thuộc lòng, làm vậy hiệu quả học tập sẽ rất cao. Học xong là ứng dụng được ngay. Thực hiện tôn chỉ: Học và Hành phải hợp nhất. 

 

 

 

 

Khi vào youtube xem và nghe giải thích, Bạn nên cho mở hết màn hình, như vậy sự tập trung sẽ tốt hơn (Vì đã loại bỏ các hình ảnh tạp nhạp khác), hiệu quả tiếp thu bài giảng sẽ cao hơn. 

 

 

 Bạn click chuột vào dòng này để vào youtube xem phần trình bày: Hướng dẫn ráp mạch nguồn nuôi.

 

 

 

 

* Ghi nhận.

 

 

Một sơ đồ mạch nguồn nuôi DC rất được ưa dùng. Nếu có thể, Bạn nên ráp mạch điện này dùng cho công việc thử máy. Mạch cho ra điện áp ổn định và Bạn có thể điều chỉnh mứa áp ra cho đúng với mức áp của tải. 

 

 

 

Nguyên lý làm việc của mạch như sau: Trong mạch T1 là biến áp, 4 diode làm cầu nắn dòng, tụ hóa lớn làm tổng kho chứa điện và dùng Led để chỉ thị có điện vào mạch. Như vậy khi mạch được cấp điện, trên tụ hóa lớn C1 sẽ có khoảng 16V. Để có mức áp ổn định, chung ta sẽ dùng mạch ổn áp tích cực với các transistor Q1, Q2 và Q3. Bây giờ chúng ta sẽ phân tích công dụng của mạch ổn áp này.

 

Mạch làm việc như sau:

 

  

 

Người ta dùng cầu đo để phát hiện tải làm thay đổi mức áp trên tải. Bạn biết khi tải nặng nó sẽ kéo mức áp trên tải xuống và khi tải nhẹ, nó sẽ để mức áp trên tải tăng cao, Để tránh điều này, chúng ta sẽ dùng cầu đo.

 

 

Một nhánh gồm điện trở và Led để có 2V dùng ghim mức áp cho chân E của Q2. 

 

 

Một nhánh khác gồm cầu chia volt với các điện trở, cầu này theo dõi mức áp trên tải, khi mức áp trên tải thay đổi chúng ta sẽ cho nó tác động vào chân B của Q2.

 

Và lúc này mạch sẽ phản ứng như sau:

 

 

Khi tải nhẹ, mức áp Vra tăng, vậy VB2 sẽ tăng theo, nó làm cho Q2 dẫn mạnh, VC2 sẽ giảm, mà VC2 chính là VB1, vậy VB1 cũng sẽ giảm, điều này sẽ khiến cho VE1 giảm theo, vì VE1 luôn biến đổi theo VB1, mà VE1 chính là Vra, như vậy có thể nói mạch ổn áp tích cực đã không cho Vra tăng khi gặp tải nhẹ. 

 

,

 

Khi tải nặng, mức áp Vra giảm, vậy VB2 sẽ giảm theo, nó làm cho Q2 dẫn yếu, VC2 sẽ tăng, mà VC2 chính là VB1, vậy VB1 cũng sẽ tăng, điều này sẽ khiến cho VE1 tăng theo, vì VE1 luôn biến đổi theo VB1, mà VE1 chính là Vra, như vậy có thể nói mạch ổn áp tích cực đã không cho Vra giảm khi phải mang tải nặng. 

 

 

Dùng 2 transistor ghép phức hợp để có một transistor có độ lợi lớn và công suất lớn. Công suất là tổng của 2 transistor. Có hệ số khuếch đại dòng là tích của 2 transistor. Điều cần nhớ là loại transistor này có độ ổn định nhiệt kém, nên phải dùng thêm các điện trở bù nhiệt.

 

 

 

 

 

 

 

2. Tự ráp: Mạch dao động đa hài với 3 transistor.

  

 

 

 

* Phân tích sơ đồ mạch điện.

 

 

Mạch dùng 3 transistor Q1, Q2, Q3 để tạo dao động 3 pha, với các Led trên chân C (Bạn xem hình), khi mạch dao động chúng ta sẽ thấy các Led lần lượt nhấp nháy.

 

* Trên chân B chúng ta gắn điện trở 47K để lấy dòng phân cực.

 

* Trên chân C chúng ta gắn điện trở 1K lấy tín hiệu, với điện trở này mức áp trên chân C sẽ nhấp nhô. Khi transistor bảo hòa, dòng chảy qua điện trở 1K, mức áp trên chân C giảm xuống gần 0 volt, và khi transistor ngưng dẫn, mức áp trên chân sẽ lên cao gần bằng nguồn.

 

* Dùng tụ liên lạc lấy tín hiệu từ chân C truyền qua chân B. Với 3 tụ tạo tác dụng hồi tiếp quay vòng, mạch sẽ dao động, chúng ta sẽ có tín hiệu 3 pha lấy ra trên chân C của 3 transistor.

 

Ghi chú: Để tạo điều kiện khởi động dễ chúng ta dùng thêm tụ nhỏ C4, cho nối từ chân B xuống đường masse.

 

 

 

Các hình sau sẽ nói rõ hơn nguyên lý hoạt động của mạch.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi dùng hình động để Bạn dễ nhìn thấy sự vận hành của mạch. 

 

 

 

 

* Khi Q1 ngưng dẫn, Led D1 phát sáng. Lúc này tụ C3 cho xả dòng qua R1.

 

* Khi Q2 ngưng dẫn, Led D2 phát sáng. Lúc này tụ C1 cho xả dòng qua R3.

 

* Khi Q3 ngưng dẫn, Led D3 phát sáng. Lúc này tụ C2 cho xả dòng qua R5. 

 

 

 Khi tụ xả điện, chân B của transistor sẽ có mức áp âm, transistor sẽ tạm thời vào trạng thái ngưng dẫn, chờ đến khi tụ xả hết điện, transistor sẽ tự trở lại trạng thái bão hòa cố hữu. Qua phân tích này, Bạn thấy chu kỳ của tín hiệu sẽ tùy thuộc vào trị của các tụ điện liên lạc và điện trở trên chân B.

 

 

 

 

* Hướng dẫn ráp mạch.

 

Sau khi đã hiểu rõ phần lý thuyết, Bạn phải tự tay làm thực hành. Lý thuyết giúp Bạn hiểu mạch, làm thực hành giúp Bạn quen tay. Học môn điện tử phải đạt đến "Tri hành hợp nhất", lúc đó chúng ta mới cảm thấy mình "muốn là làm được", phải không?

 

 

 

 Bạn click chuột vào dòng này để vào youtube xem phần trình bày: Ráp dao động đa hài 3 pha.

 

 

 

* Ghi nhận

 

Mở rộng ứng dụng của mạch dao động 3 pha. Bạn có thể dùng mạch này để:

 

1. Làm bảng đèn hiệu.

2. Làm đèn hào quang.

3. Tạo tín hiệu 3 pha cấp điện cho motor xung 3 pha.

 

 

Dưới đây là sơ đồ mạch điện cho thấy cách dùng tầng dao động 3 pha để điều khiển các đèn Led trên các bảng đèn.

 

 

 

 

 

* Q1, Q2, Q3 ráp thành mạch dao động 3 pha.

 

* Q4, Q5, Q6 là các transistor thúc, nó cấp dòng cho các Led gắn trên chân C.

 

Khi Bạn phải dùng nhiều Led, các Led này Bạn phải cho mắc nối tiếp, với Led loại siêu sáng có mức ghim áp 3V, vậy 1 dãy Bạn gắn 3 Led và khi dùng các Led thường, có mức ghim áp 2V, Bạn có thể gắn 1 dãy 5 Led. Sau đó dùng luật Ohm để tính ra trị của điện trở hạn dòng. Vậy tùy theo số Led Bạn phải dùng, Bạn sẽ tính ra số số dãy. Thí dụ: Nếu Bạn cần dùng 30 Led, Bạn sẽ cho gắn song song 10 dãy Led siêu sáng, hay 6 dãy khi dùng loại Led thường.

 

 

 

Nhắn Bạn: Về đề tài này, Bạn có thể tham khảo nhiều bài viết của tôi cũng trong mục "Trao đổi học tập" của trang Web phuclanshop.com.

 

 

 

 

 

 

 

3. Tự ráp: Mạch dao động với ic 555.

 

 

 

* Phân tích sơ đồ mạch điện.

 

 

 

 

Sơ đồ mạch điện cho thấy, mạch gồm có 2 phần:

 

* Phần cấp nguồn với biến áp giảm áp AC, cầu nắn dòng với 4 diode và tụ hóa lớn làm tổng kho chứa điện để ổn định điều kiện cấp điện cho tải. Kế tiếp chúng ta dùng ic ổn áp 7805 để lấy ra mức áp 5V cấp cho ic 555. Nếu muốn có mức áp cao 12V, chúng ta sẽ dùng ic 7812. Ở mạch nguồn cũng dùng Led chỉ thị với điện trở hạn dòng.

 

* Phần dao động ráp với ic 555. IC 555 có 8 chân. Chân 1 cho nối masse, chân 8 cho nối nguồn. Chân 4 cho treo lên mức áp cao,  chân 5 có thể gắn tụ lọc nhiễu hay bỏ trống. Chân 3 là ngả ra, chân 2 là ngả vào của tầng so áp 2, nó lật khi mức áp trên chân 2 xuống thấp hơn 1/3 mức áp nguồn. Chân 6 là ngả vào của tầng so áp 1, nó lật khi mức áp trên chân 6 lên cao hơn 2/3 mức áp nguồn. Chân số 7 là chân đóng mở với đường masse tùy theo mức áp cao thấp của chân 3. 

 

 

 Các hình vẽ tay sau đây, tôi dùng để giải thích hoạt động của ic dao động 555 (Bạn xem hình).

 

 

 

 

Hình vẽ cho thấy cấu trúc bên trong của ic 555. Nó có một cầu chia áp với 3 điện trở 5K. Mức áp 1/3 dùng làm mức áp chuẩn cho tầng so áp 2 và mức áp 2/3 dùng làm mức áp chuẩn cho tầng so áp 1.

 

Một Flip Flop mà trạng thái ra trên Q và Q đảo tùy thuộc vào ngả vào trên chân Reset và Set. Trên Flip Flop cũng có chân Reset. Trạng thái ra qua một mạch khóa điện 3 chấu, nó lúc cho chân Out nối vào Q lúc cho nối vào Q đảo. Mức áp ra quay lại tác động vào một transistor, nó dùng để đóng mở chân 7 và đường masse. 

 

Mạch nạp xả của tụ điện sau đây sẽ cho thấy nó ảnh hưởng đến chu kỳ của tín hiệu dạng xung lấy ra trên chân số 3.

 

 

* Khi ngả ra trên chân số 3 ở mức volt cao thì transistor Q sẽ bị đặt ở trạng thái ngưng dẫn. Q ngưng dẫn, tục C1 sẽ cho nạp điện, dòng nạp qua R1 và R2. Vậy mức volt trên tụ C1 sẽ tăng dần lên.

 

* Khi ngả ra trên chân số 3 ở mức áp thấp thì transistor Q sẽ ở trạng thái bão hòa. Q bão hòa, tụ C1 sẽ cho xả điện, dòng xả chỉ chảy qua điện trở R2. vậy mức volt trên tụ C1 sẽ giảm dần xuống.

 

Dùng sự nạp xả của tụ C1, trên tụ C1 chúng ta có tín hiệu ra dạng răng cưa.

 

 

Dùng lý thuyết nạp xả của tụ C1 qua R1, R2 chúng ta dễ dàng tính được chu kỳ của xung ra trên chân 3. Tóm lại, trên số 3 chúng ta có xung ra với độ dóc lên và xuống rất thẳng, và xung ra trên chân số 2, 6  (Cũng là xung ra trên tụ C1), chúng ta có xung ra dạng răng cưa. Cũng do vậy người ta sắp ic 555 thuộc nhóm linh kiện A/D (Analog/Digital).

 

Nhắn Bạn: Chủ đề này tôi cũng đã có phân tích nhiều trong các bài viết trước đây, nếu muốn hiểu rõ hơn, Bạn tìm đọc thêm các bài viết này.

 

  

 

* Hướng dẫn ráp mạch.

 

 

* Khi tụ C1 nạp, mức áp đang tăng chưa chạm mức 2/3 mức áp nguồn, chân 3 ở mức áp cao, Led D2 sáng.

* Khi tụ C1 xả, mức áp đang giảm chưa dưới mức 1/3 mức áp nguồn, chân 3 ở mức áp thấp, Led D1 sáng.

 

 

 

 

Hình trên là mạch dao động được ráp với ic 555. Đây là một mạch điện rất cơ bản. Trước khi xem phần hướng dẫn thao tác ráp mạch điện này, Bạn hãy vẽ nháp sơ đồ này cho thuộc lòng. Hiểu rõ hoạt động của mạch, và dùng phép liên tưởng để luôn có thể tìm thấy tìm thấy mạch trong bộ nhớ của Bạn. 

 

 

 

 Bạn click chuột vào dòng này để vào youtube xem phần trình bày:  

http://www.youtube.com/watch?v=GzTVoLJaF7o&feature=mfu_in_order&list=UL

 

 

 

 

* Ghi nhận.

 

Bạn muốn làm bản mạch in để ráp mạch điện trên, Bạn hãy dùng trình Layout plus. Lấy các kiểu chân tương ứng với các linh kiện, đặt lên bản mạch. Sau đó đặt các đường tiền nối, rồi chọn lớp nối, chọn kích cở đường nối, và cho chạy công năng AutoRoute để có các đường nối mạch qua các chân của các linh kiện. Chỉnh sửa lại các đường nối ch́ng ta sẽ có hình vẽ của bản mạch như hình sau: (Hình này tôi cắt từ trình Layout để Bạn tham khảo, nó không đúng kích thước thật). 

 

 

 

 

 

 

Đây là hình bản mạch cho thấy các đường mạch nối ở bên lớp bottom, tức lớp bên dưới.

 

 

 

 

Đây là hình cho thấy các hình Outline, chúng ta in ở lớp top, tức lớp bên trên, nó cho thấy vị trí gắn các linh kiện.

 

 

 

Hình vẽ cho thấy, chúng ta sẽ cho phủ lớp tránh hàn ở lớp bottom, chỉ chừa ra các chân hàn. Lớp này thường được dùng khi chúng ta dùng đến kỹ thuật hàn nhúng.

 

 

 

 

 

 

  

4. Tự ráp: Mạch tăng âm kiểu OTL.

 

 

  

 

 

* Phân tích sơ đồ mạch điện.

 

 

 

Nguyên lý làm việc của mạch như sau:

 

* Q1 là tầng tiền khuếch đại, mạch dùng transistor pnp, R1 và R2 dùng lấy phân cực cho chân B của Q1. R3 và tụ C2 dùng lấy nguồn cấp cho tầng đầu, với bộ lọc này mạch sẽ tránh được hiện tượng dao động boating. C1 là tụ liên lạc, và RV1 dùng làm nút chỉnh Volume. Trên chân E có điện trở định dòng R4. Ở đây có mạch định hệ số hồi tiếp nghịch, với: Điện trở R. R11 và tụ cắt áp DC C4.

 

* Q2 là tầng thúc, tín hiệu ra trên chân C của Q1 vào thẳng chân B của Q2. Điện trở R5 dùng để bù nhiệt. Tín hiệu lấy ra trên chân C đưa thẳng vào tâng khuếch đại kéo đẩy. Các diode D1, D2, D3 dùng lấy áp phân cực cho tầng kéo đẩy để sửa méo tại giao điểm của tín hiệu. Tín hiệu lấy ra với điện trở R7. Mạch dùng tụ hồi tiếp tự cử với C3, R6 để làm cân bằng biên độ kéo đẩy ở ngả ra. Tụ nhỏ C5 có tác dụng hồi tiếp nghịch vùng tần số cao, nó tránh mạch phát sinh dao động tự kích.

 

* Q3, Q4 là hai transistor hổ bổ, ráp thành mạch khuếch đại kéo đẩy. Khi tín hiệu ra trên chân C của Q2 có pha dương, thì Q3 dẫn và Q4 tắt, và khi tín hiệu ra đổi qua pha âm thì đến Q4 dẫn và Q3 tắt. Với cách làm việc này mạch cho hiệu suất cao, thường có thể lên đến 78%. Ở đây R8, R9 dùng bù nhiệt cho kiểu ráp các transistor theo dạng phức hợp. Diode D4 dùng bù trở kháng ngả vào của Q4, Q6 ứng với phần pha âm cho cân bằng với ngả vào của Q3, Q5 ứng với phần pha dương.

 

* Q5. Q6 là 2 transistor công suất có dùng lá nhôm làm nguội, nó cấp dòng điện lớn cho Loa. Ứng với pha dương, transistor Q3, Q5 dẫn điện, lúc này Q4, Q6 tắt, nó cấp dòng nạp cho tụ C6, dòng qua Loa để đẩy màn loa ra. Khi ứng với pha âm, transistor Q4, Q6 dẫn, lúc này Q3, Q5 tắt, nó tạo đường xả dòng cho tụ C6, dòng qua Loa để kéo màn Loa vào. Như vậy tín hiệu qua tầng công suất với Q5, Q6 sẽ làm rung mạnh màn Loa, phát ra âm thanh.

 

Tụ C7, điện trở R10 dùng bù trở kháng của Loa để tránh méo gây ra do sự thay đổi trở kháng của Loa. Ở vùng tần số thấp trở kháng của Loa là 8 ohm khi khi qua vùng tần số cao, trở kháng của Loa sẽ tăng, lúc này mạch lọc Zobel sẽ kéo trở kháng của Loa xuống và tránh được hiện tượng méo công suất.

 

Tóm lại, khi mạch được cấp điện và có tín hiệu vào, Bạn sẽ nghe âm thanh phát ra ở Loa.

 

 

Sau đây là các hình vẽ tay tôi dùng giải thích các bộ phận chính trong mạch tăng âm:

 

* Hình vẽ cho thầy chiều chảy của các dòng phân cực. Trong đó dòng chảy qua R2 là dòng chủ, nếu mất dòng này thì toàn phần mạch điện sẽ bị mất dòng phân cực.

 

 

 

* Trong mạch tăng âm này có một mạch hồi tiếp nghịch rất quan trọng. Bạn xem hình.

 

Nếu Bạn tăng trị của RF, tác dụng hồi tiếp nghịch mạnh, độ lợi giảm, nhưng chất lượng âm thanh nghe hay.

 

Nếu Bạn giảm trị của RF, tác dụng hồi tiếp nghịch yếu, độ lợi lớn, tiếng lớn, nhưng chất lượng âm thanh sẽ kém.

 

Đó là tác dụng của mạch hồi tiếp. 

 

 

* Hình vẽ tay cho thấy hoạt động của các transistor công suất kéo đẩy. Dùng kiểu mạch này không cần đến biến áp đảo pha và mạch sẽ tăng cao được hiệu suất làm việc. Nếu Bạn ráp mạch hoàn hão, hiệu suất của mạch có thể đạt đến 78%. Nghĩa là nếu Bạn nuôi mạch 100 Watt, Bạn sẽ lấy được 78 Watt ở Loa.

 

 

 

* Hình vẽ tay bên dưới này, tôi muốn Bạn luôn chú ý đến vai trò của các mạch hồi tiếp thường dùng trong các mạch tăng âm. Hồi tiếp là một dạng xử lý kỹ thuật rất hay, Bạn dùng các tín hiệu đã qua xử lý trên ngả ra, trả về ngả vào để hiệu chỉnh hoạt động của mạch. Người ta thường dùng mạch hồi tiếp để sửa đổi các đặc tính của mạch điện sao cho thật đúng ý.

 

 

 

 

* Hình vẽ tay sau đây, cho thấy mạch đẳng hiệu của Loa. Loa được xem gồm thành phần trở R và cuộn cảm L. Ở vùng tần số thấp, tác dụng của cuộn cảm không đáng kể, có thể xem trở kháng của Loa chỉ còn là trở R, nhưng khi Loa làm việc ở vùng tần số cao, lúc đó vai trò của cuộn cảm L không được bỏ qua, nó có trị đáng kể và làm tăng trở kháng của Loa. Chính vì trở kháng của Loa thay đổi theo tần số tín hiệu âm tần nên nó sẽ gây ra hiện tượng méo công suất. Người ta tránh hiện tượng này với mạch lọc Zobel. Bạn xem phần giải thích có ghi trong hình.

 

 

 

 

 

* Hướng dẫn ráp mạch.

 

 

Bạn click chuột vào dòng này để vào youtube xem phần trình bày:  

http://www.youtube.com/watch?v=bxCCUZcJMPA

 

 

 

Tạm kết

 

 

Viết đến đây, tôi thấy mình để các bài viết dài nên khó đi đến kết thúc, do vậy trong các bài viết sau tôi sẽ chọn các đề tài ngắn gọn để người viết cũng dễ dừng và dễ chuyển đổi được nhiều ý hơn và người đọc cũng không phải theo dõi mệt hơi. Bố cục các bài viết sẽ mang nhiều hình thức đa dạng hơn, nội dung bài viết có tính thực tiển hơn và như vậy chắc chắn Bạn sẽ thích đọc hơn. Chào Bạn, hẹn gặp lại Bạn trong các đề tài mới lạ khác. Người soạn: Vương Khánh Hưng.

 

 

 

 

Thư giãn sau bài học

 

 

Tuyết rơi trên thành phố Quincy-MA.

 

Bạn xem vài hình ảnh về bão tuyết trên vùng Đông Bắc nước Mỹ. 

 

  

Bạn click vào dòng này để có giây phút thư giản.

 

 

 

 

 

Người soạnmời Bạn vào xem...

 

 

Và cũng với câu nhắn quen thuộc là...

 

 

 

 

Vui lòng để lại bình luận
  • online support profile

    vivian.wang.yun

    Kinh doanh linh kiện và thiết bị ngành điện tử và điều khiển điện
Top