(028) 66844775 - 0902760910 banhang@phuclanshop.com
Danh mục sản phẩm

Phòng uống trà, nơi gặp mặt trao đổi kỹ thuật của trường dạy nghề: Điện Tử Thực Hành

29 Tháng Tám 2015

(Trong chuyên mục này thường xuyên có bài mới, mời Bạn luôn ghé qua xem...)

 

 

 

Một giải pháp đơn giản.

 

 

Tôi sắp kể cho Bạn nghe một câu chuyên có liên quan đến chuyện sửa chữa máy móc của dân thợ điện tử.Trong đời làm thợ điện tử mấy chục năm của tôi, tôi gặp và quen biết không biết bao nhiều người, nhiều người rất quái kiệt, như Tuấn, như Khánh. Tuấn thì sao?

 

.... Tuấn là người bạn trẻ tuổi của tôi, cậu ta làm thợ điện tử theo dạng tự phát, nghĩa là không qua trường lớp chính quy nào cả, chỉ đọc sách, tự tìm tòi, tự mài mò, ra chợ ve chai mua đồ cũ về dọc, lâu ngày thành thợ hồi nào cũng không ai hay,  chỉ biết trong xóm ai có máy hư đều đưa cho Tuấn sửa, nhà ở sâu trong xóm trong quận Tân Bình, nên ở khu này Tuấn rất nổi tiếng. Đặc điểm của Tuần là chỉ sửa máy bằng một cái cây móc lỗ tay. Radio hư, ampli hư...Tuấn chỉ dùng cái móc tay bằng thau, khiều khiều quẹt quẹt là máy hát lại bình thường. Nhiều người khen, lời đồn vang xa... khiến tôi cũng phân vân, có thật cậu ta có cái tài "thần sầu quỷ khóc" như vậy chăng? Tôi cũng thường gặp Tuấn ở quán nước khu chợ lac-son, nhìn hình dạng bên ngoài thì là người thuộc dạng hơi lười, nói chuyện lè nhè, trình độ lý thuyết  chuyên môn ở cấp chung chung, nói chuyện về máy móc không đầu không đuôi, nhưng khả năng sửa được máy bằng cái cây móc lỗ tai thì là có thật. Thế là thế nào?

 

Phải một thời gian sau, khá lâu, nhiều lần đến nhà Tuấn chơi, xem cậu ta sửa máy,  tôi mới khám phá ra được cái bí mật của cậu thợ nổi tiếng chuyên sửa máy Radio, Ampli chỉ bằng cái móc tai này. Bạn có biết bí mật ở đâu không?

 

Thật ra vấn đề rất đơn giản, Tuấn sau khi sửa máy cho ai, thường dùng acid (loại acid của thợ hàn thùng) chấm nhẹ vào một vài điểm của đường mạch in, một thời gian lâu sau, ở các điểm mạch này, acid ăn đứt mạch, nhờ vậy cậu ta chỉ cần dùng cây móc tai khiều mò, tìm ra chổ đứt và cho nối lại là máy trở lại hoạt động bình thường.

 

... Một câu chuyện khác cũng liên quan đến việc sửa chữa các máy móc điện tử, lần này là một ông bạn to con, anh thường ghé qua chổ tôi tán về chuyện máy móc. Anh tên Khánh, Khánh rất thích "đàm đạo" về các loại mạch điện, anh thao thao và lúc nào cũng vỗ ngực xưng danh là người thợ hay nhất hoàn vũ. Vì sao mà Khánh dám tự phụ như vậy? Có cơ sở đấy, nhiều người thợ chơi chung với Khánh cũng phải phục tài của Khánh. Khánh có đặc điểm là khi sửa máy gì của ai, sửa xong Khánh thường tháo lấy ra rất nhiều linh kiện linh tinh mà máy vẫn hát bình thường. Làm xong, Khánh vỗ ngực cho rằng  ông kỹ sư nào đó đã thiết kế thừa, nếu để cho Khánh chế tạo máy thì đố ai có thể tháo bỏ món gì mà máy vẫn hát tốt bình thường được. Bạn có công nhận Khánh giỏi khác thường không?

 

Thật ra vấn đề rất đơn giản, Bạn biết trong một mạch điện, ngoài các linh kiện chủ yếu người ta còn gắn thêm các mạch điện phụ, như điện trở giảm áp và tụ lọc trên đường nguồn, một số tụ lọc nhiễu tần cao đặt trên đường đi của tín hiệu, hay mạch khuếch đại dùng kiểu phân cực có độ ổn định cao thường dùng thêm nhiều linh kiện phụ, với các linh kiện này, nếu tháo bỏ máy vẫn hát như bình thường, nhưng một số tính năng ổn định, chất lượng âm thanh. của máy... có thể thay đổi mà nghe bằng tai thường khó nhận ra. Khi tôi nói nhỏ với Khánh điều ghi nhận của tôi, Khánh lộ vẽ không vui và từ đó Khánh ít ghé qua tôi, Bạn thấy không nên nói ra cái bí mật của người khác, điều này sẽ làm mất bạn bè đấy.

 

... Còn riêng tôi, tôi cũng muốn mình "nổi danh" trong giới giang hồ, nên vỗ ngực xưng tên là thợ sửa máy nhanh chỉ bằng một cái tụ điện.

 

Làm sao dùng cái tụ điện mà có thể tìm ra được chổ hư hỏng trong máy?

 

Bạn hãy nghe tôi nói rồi sẽ hiểu thôi... Trước hết, chúng ta phải biết trong mạch, tụ điện dùng để làm gì?

 

* Nếu là tụ liên lạc, nó sẽ bắt cầu cho tín hiệu đi qua.

* Nếu là tụ lọc trên đường nguồn, nó sẽ tránh nhiễu nhiễm trên đường nguồn lẫn vào các tầng khác nhau.

* Nếu là tụ bias, tức tụ lọc đặt trên các chân E của transistor là để làm tăng độ lợi.

* Nếu là các tụ ceramic, thường dùng để lọc bỏ nhiễn tần cao.

 

Bạn xem hình, do đó khi đứng trước một máy điện tử bị hư, trước hết tôi phải dùng kinh nghiệm, dùng quan sát và dùng cả trực giác nữa để phỏng đoán là phần phân cực DC bình thường, các hư hỏng do nguồn dễ cảm nhận thấy qua các Led chỉ thị không sáng, có linh kiện bị nóng, hay có dấu hiệu linh kiện hư như điện trở bị cháy, tụ bị xì, khung nhựa của biến áp bị méo cong....

 

Sau khi tin rằng điều kiện phân cực DC tốt, thì chuyển qua thử tín hiệu, tìm cách đưa tín hiệu vào mạch, như với  Radio thì cho rà tìm đài, với Ampli thì dùng víc quẹt quẹt  kích thích ở ngả vào, với cassette thì cho chạy băng..., lúc này mới bắt đầu dùng đến tụ điện để kiểm tra mạch.

 

* Máy bị mất tiếng, tụ liên lạc đứt chăng? Dùng tụ ngoài gác ngang các tụ liên lạc trong mạch, nếu gắc tụ  ngoài vào mà thấy có  tiếng lại là biết tụ trong mạch đã đứt.

 

* Gác từ chân B qua chân C của transistor, nếu có tiếng lại dù nghe nhỏ thì transistor đã mất tính khuếch đại.

 

* Nếu máy bị ù, dao động, thì tìm ra các tụ lọc gắn trên đường nguồn , dùng tụ ngoài gắn vào tạo tụ lọc cho mạch, nếu hết ù, hết hú là đúng bịnh.

 

* Nếu máy bị nhỏ tiếng thì dùng tụ lọc cho lọc sạch các tín hiệu trên chân E của các transistor, nếu thấy chổ gắn tụ vào tiếng lớn lên thì hàn tụ vào là xong.

 

* Nếu có nhiễu, loa bị hú, thì xác định tầng gây nhiễu bằng cách dùng tụ lần lượt cho dẫn tín hiệu nhiễu xuống masse. Nếu tìm ra được tầng gây nhiễu, thêm tụ lọc vào là hết.

 

  

Hình 1: Hình giải thích vai trò của các tụ điện trong các mạch điện (các tụ trong mạch đã được tô màu).

Bạn thấy, hình vẽ cho thấy vai trò của các tụ điện trong mạch, chúng ta biết tụ thường chỉ có tác dụng ở trạng thái AC, nghĩa là trạng thái động, hay là trạng thái tín hiệu. Muốn sửa máy bằng tụ, Bạn phải hiểu thật rõ các vai trò của các tụ điện.

 

 

Hình 2: Tín hiệu xuất hiện trên các điểm của mạch khuếch đại. (Các số ghi  trên sơ đồ cho thấy tín hiệu xuất hiện theo trình tự từ nguồn đi đến đích).

 

Dùng trình PSpice của OrCAD, Bạn dễ dàng nhìn thấy tín hiệu xuất hiện lần lược trên các điểm của mạch. Tín hiệu luôn có điểm khởi nguồn và lần lược xuất hiện, đi qua các điểm để rồi sau cùng sẽ đến đích. Tụ điện không có tác dụng ở điều kiện DC, nó chỉ có tác dụng trên tín hiệu, biết vậy, Bạn hãy dùng tụ điện ngoài để tạm thay thế các tụ điện trong mạch và sẽ nhanh chóng tìm ra chổ hư hỏng. Đó là "CÁCH SỬA MÁY HƯ BẰNG TỤ ĐIỆN"

 

 

*****

 

 

Hình chụp văn phòng trường, nơi đây có thể Bạn chưa từng ghé qua hay đã ít nhất một lần ghé vào, đã ngồi vào bàn trãi khăn hồng, trình bày bao ý tưởng, có thể đó là ý tưởng táo bạo, theo Bạn là những ý tưởng lớn của thời đại, cũng có thể đó chỉ là một câu hỏi giản đơn về cách dùng một linh kiện mới, hay Bạn hỏi cách sửa chữa một máy hư, hay là chỉ ghé qua thăm lại trường cũ, thấy cũ bạn mới, nơi mà Bạn đã được dẫn vào nghề thợ điện tử. Trên chiếc bàn dài phủ khăn, bên ấm trà đĩa bánh kẹo, những điếu thuốc trên gạc tàn còn cháy, chúng ta đã nói gì với nhau, bây giờ mọi thứ đều qua rồi...

 

Tôi ngồi nhớ và ghi lại các chuyện cũ và thêm vào các chuyện mới nữa. Nếu Bạn còn hoài niệm về căn phòng ấm cúng ngày nào, nó nằm trên Lầu 1, chợ Kim khí điện máy Nhật Tảo, Q10 - TPHCM, Bạn hãy ghé vào trang Web phuclanshop.com, chúng tôi rất hoan nghinh và mong gặp lại Bạn trên trang Wed này. Thầy phụ trách trường dạy nghề Điện Tử Thực Hành: Vương Khánh Hưng.

 

 

 

 

Câu chuyện khởi đầu.

 

... Tôi khởi đầu bằng hai câu chuyện mà tôi thường kể cho các em học viên nghe sau những giờ học hỏi kỹ thuật mệt mõi. Câu chuyện về các con chim sẻ. 

 

Câu chuyện thứ 1: Con chim sẻ "khác thường".

 

Trong đàn chim sẻ, có một con rất cao kỳ khác thường, lúc nào nó cũng muốn làm được những việc khác hơn người. Nó tập bay và muốn bay cao, bay thật cao để hơn người. Ngày đêm khổ công tập luyện và nó đạt được ý nguyện, lúc này mọi người đều nhìn nó với sự thán phục, vì nó làm được điều mà không ai làm được như nó. Con chim sẻ hãnh diện lắm.  Chỉ có mẹ nó là tỏ ra không vui, lúc này mẹ nó nói gì nó cũng bỏ ngoài tai, không nghe, nó chỉ thấy say mê chinh phục và say mê chiến thắng và chiến thắng vùng trời cao để thỏa lòng.

 

Một hôm, đang bay trên cao, và đang nhìn xuống đám bạn của nó với lòng ngạo nghễ, nó gặp một con chim đại bàng con, con đại bàng nhìn nó, đuổi theo nó và sơi tái nó. Lúc này nó vừa kịp nhớ ra lời mẹ dạy: "con à, thế giới của loài chim sẻ là bên dưới ngọn cây, gần các mái nhà thấp, ở đó chúng ta có thức ăn, nước uống và khi gặp kình địch thì còn kịp chuôi vào các bụi cây hay lẫn vào các mái nhà để ẩn trốn, vùng trời cao trên kia là nơi tung hoành của loài chim đại bàng, ở đó nguy hiểm lắm con à".

 

Con chim sẻ có tính khác thường đã không còn cơ hội để hối tiếc và sửa sai nữa rồi... (Hết chuyện).

 

 

Câu chuyện thứ 2: Con chim sẻ "lập dị". .

 

Có một đàn chim sẻ nhiều con trong đó có một con chim sẻ nhỏ sống khác thường, lập dị. Mỗi khi đàn chim đậu lại trên các cành cây, cả đàn đều cùng hướng nhìn về một phía thì con chim sẻ nhỏ lại chọn vị trí đậu tách đàn và nhìn hướng ngược lại, do vậy các con chim sẻ khác cho là nó sống lập dị, không giống ai và tỏ ra ghét tính không chịu theo đàn, theo bạn của nó. Nó thường bị trách là "ta đây, làm như hay lắm vậy, không giống ai", nó không phiền lòng.

 

Một hôm, cả đàn chim sẻ dừng chân trên một cành cây, như mọi khi nó cũng tìm chổ khác quay đầu hướng ngược lại và đậu xuống.... không ai ngờ một con mèo hoang đang lần bước bò lên cây và đang chuẩn bị chụp bắt các con chim sẻ để ăn thịt, lúc này... cả đàn chim sẻ không ai hay biết gì cả, duy chỉ có con chim "lập dị" nhìn thấy, nó đã kịp báo động cho cả đàn kịp thời bay cao thoát hiểm. Hú vía...

 

Con chim sẻ nhỏ đã cứu đàn chim của nó chỉ do nó có tính lập dị khác người....  (hết chuyện).

 

Tôi kết luận: Bạn thấy, ai cũng muốn làm chuyện hơn người, khác người, nhưng trong câu chuyện 1 thì tranh hơn người là không tốt, trong câu chuyện 2 làm khác người thì lại tốt. Vậy là nghĩa làm sao? Bạn hãy tự suy nghĩ và tự rút ra quan điểm sống cho chính mình nhé!

 

 
 

Cuộc nói chuyện giữa 2 người bạn già mới quen.

 

...Sáng nay sau khi ra khỏi lớp tôi được cô Mỹ nhắc trong văn phòng có một người khách lớn tuổi đang chờ tôi. Khi bước vào phòng tôi đã thấy ông, ông dáng người ốm khỏe, ông làm động tác chào tôi và bằng một giọng nói lớn rõ tiếng.  ông tự giới thiệu:

 

- Tôi tên Quảng, vào từ Quảng Ninh, tôi đã đọc nhiều sách của ông, sách viết hay lắm (ông khen sách tôi), bây giờ mới có dịp biết mặt. Ông có mấy cháu rồi. (Bác Quảng hỏi tôi)

 

- Tôi có 4 cháu, đều lớn cả. 1 trai 3 gái. Bác xa xôi đến tìm tôi có gì không?

 

- Không nói giấu ông, tôi năm nay 78 tuổi rồi, tôi mê điện tử lắm, lúc này hưu rồi, ở nhà mở tiệm bán và làm nghề điện tử, lần này quyết định vào TP-HCM để học nghề, đọc sách ông, tôi có nhiều thắc mắc lắm, muốn gặp mặt để hỏi cho rõ.

 

Ông lấy ra 2 cuốn sách của tôi viết về cách "Tự học sửa chữa TV màu", sách đã rất cũ, nhưng bìa sách được dán lại rất tươm tất, bên trong, tôi thấy ông ghi ra ở bên lề các câu hỏi rõ ràng, nhiều chổ đánh dấu bằng viết màu. Nhìn cách ông lật từng trang sách để tìm chổ có đáng các dấu hỏi, tôi đoán biết tính bác Quảng rất cẩn thận. Ông không chờ làm quen, thẳng thắng đi ngay vào các câu hỏi.

 

- ...Chỉ vào một sơ đồ mạch nguồn của máy TV JVC C1490 ông hỏi tôi về công dụng của điện trở R902 (hình 1), rồi hỏi qua vai trò của các tụ nhỏ mắc ngang các diode nắn dòng...

 

Tôi đang định trò chuyện lòng vòng với bác để tìm hiểu xem trình độ bác Quảng hiểu về môn điện tử ở mức độ nào để từ đó tìm ra phương cách trả lời bác cho phù hợp, lúc này thì bác Quảng lại lật qua trang khác, chỉ vào một sơ đồ khác (hình 2) và lại hỏi tiếp...

 

- ... Ở đây, phần mạch tự động đổi nguồn 110V qua 220V, đọc khó hiểu quá, ông có thể nói rõ hơn giúp tôi được không, vai trò của diode zener dùng để làm gì ?.?.? Diode zener hay lắm, nhiều công dụng lắm, tôi đọc mà không hiểu hết được...

 

Tôi thấy, hình như các thắc mắc này đã bị dồn nén trong đầu bác Quảng quá lâu ngày, nay có dịp bung ra nên bác tới tấp hỏi tôi, khiến tôi không kịp trả lời. Tôi mời bác uống tra và để tiếp tục tìm hiểu bác, nói chuyện qua lại, tôi nhận ra bác Quảng đọc sách chính qui nhiều, học điện tử đúng bài bản, không phải dạng mì-ăn-liền, từ nhận biết này tôi chọn ra cách trả lời bác Quảng theo cách trường lớp dài hơi.

 

Trong sơ đồ này, bác Quảng hỏi tôi nhiệm vụ của điện trở R902. Tôi giải thích, công dụng của nó là hạn dòng lúc mới mở máy. Vì lúc mới mở máy, tất cả các tụ điện trong máy đều trống, không chứa điện, nên dòng điện ở ngay thời điểm mở máy sẽ tăng lên rất lớn, nó sẽ làm hư các diode nắn dòng. do vậy người ta phải dùng điện trở nhỏ Ohm lớn Watt này để hạn dòng mở máy.

 

Nhân thể tôi giải thích tóm tắt chức năng của các linh kiện khác có trong sơ đồ mạch điện này:

 

- Theo đường lấy điện người ta dùng cầu chì F901 để cắt dòng khi trong mạch có linh kiện bị chạm, dùng cuộn lọc L901 và 2 tụ điện C901, C902 để lọc bỏ nhiễu dạng xung tần cao có trên đường nguồn AC. TH901 là nhiệt trở P, có hệ số nhiệt độ dương, lúc nguội nó cấp dòng xoay chiều cho cuộn Degauss để xóa sạch từ dư bám lên màn hình, làm lem màu. Mạch này dùng cầu nằn dòng với 4 diode trong D901, ngang các diode dùng các tụ điện nhỏ chịu áp cao để dập biên điện áp phản hồi do các thành phần cuộn cảm có trong mạch tải gây ra. Dùng 2 tụ hóa lớn C943, C909 làm kho chứa điện chính, lượng điện tích chứa trong tụ nhằm ổn định điều kiện cấp điện cho tải. lấy 2 điện trở lớn Ohm R949, R903 để cân đều áp trên 2 tụ điện. Diode D960 tạo đường xả điện cho các tụ điện khi tắt máy. Phải nhớ đường masse ở vùng mạch điện này là đường masse nóng, nghĩa là không cách ly với đường điện nhà đèn, nghĩa là nó có thể gây ra điện giật nếu để chân chạm đất mà chạm vào vùng mạch này.

 

Hình 1:

Ở hình 2. Tôi trình bày nguyện lý làm việc của mạch tự động thay đổi kiểu nằn dòng cho phù hợp với mức áp AC ở ngả vào. Trong mạch này, người ta dùng một SCR và 4 diode để tạo thành một khóa điện hai chiều đóng mở theo mức áp trên cực Gate của SCR, nó tương đương như một khóa điện lá kim.

 

Khi nguồn điện AC vào là 110V, lúc đó qua các diode nắn dòng D941, D947, dòng điện dạng xung một chiều cho nạp vào tụ C941, trên tụ có khoảng 150V DC, qua cầu chia áp với các điện trở R952, R942, R953, R943 và điện trở R945 (15K), mức áp DC lấy ra trên điện trở R945 không đủ làm thông diode zener D943, nên transistor Q941 không dẫn điện, vậy lúc này trên chân C của Q941 có mức áp dương nó kích dẫn SCR, điều này giống như một khóa điện 2 chiều cho đóng kín, mạch nắn dòng với 4 diode trong D901 và 2 tụ điện C943, C909 sẽ được cho ráp theo kiểu nắn dòng bội áp, điện áp ra tăng đôi, lúc này trên đường nguồn B+ vẫn có khoảng 315V.

 

Khi nguồn AC ở ngả vào là 220V, thì mức áp DC trên tụ C941 sẽ lên cao trên 300V. Điện áp lấy ra trên điện trở R945 cũng sẽ lên cao và kích dẫn diode zener D943, và nó làm transistor Q941 bị bảo hòa. Lúc này trên cực cổng của SCR không có áp dương và SCR sẽ ngưng dẫn, điều này tương đương như một khóa điện 2 chiều bị cho hở mạch và cầu nắn dòng với 4 diode trong D901 và 2 tụ lọc C943, C909 ở mạch nguồn chính sẽ được cho ráp theo kiểu nắn dòng bình thường, do vậy trên đường nguồn B+ cũng sẽ ở mức áp khoảng 315V.

 

Hình 2:

 

Bác Quảng hỏi tôi nhiệm vụ của diode và điện trở nằm trong transistor xuất ngang. Theo hình 3. Tôi giải thích hoạt động của transistor xuất ngang,

 

- Nó là một transistor khóa, đóng mở nhanh, quen gọi là transistor Switching, công dụng dùng tạo ra dòng điện có dạng răng cưa cấp cho cuộn quét ngang, từ trường do nó tạo ra sẽ làm dời chuyển tia điện tử trong đèn hình CRT và làm cho điểm sáng hiện trên màn hình quét qua quét lại theo chiều ngang, tạo ra dòng. Tần số quét ngang là 15625Hz cho hệ PAL và 15750Hz cho hệ NTSC. Trong transistor xuất ngang có diode đệm trên chân C-E và thêm điện trở làm tăng độ ổn định nhiệt trên chân B-E.

 

Hình 3:

 

Bác hỏi qua công dụng của diode trong phần quét đọc. Chỉ vào hình (Hình 4),Tôi giải thích:

 

- Công dụng của diode VD451 và tụ C451, công dụng của nó là tạo ra mạch bơm áp, làm tăng mức áp nguồn DC 24V vào trên chân 3 lên mức áp tăng đôi trên chân số 7, nhờ vậy tín hiệu dạng xung hình thang cho ra trên chân số 2 sẽ có biên độ đủ cao và cấp cho cuộn quét dọc, còn gọi là cuộc york dọc.

 

Hình 4:

 


 

 

... Khi bác đã có dấu hiệu hài lòng với các lời giảng giải của tôi, bây giờ chỉ lên tường, bác Quảng chuyển qua hỏi tôi về ý nghĩa của 3 chữ Hoa mà tôi dán trên mặt khung đồng hồ. Đó là 3 chữ 怹意富[Nâm - Ý - Phú]

 

(Tôi viết lại trên mặt giấy 3 chữ này và giải thích ý nghĩa của nó với bác Quảng)

            

 

- Đó là 3 chữ tôi chọn dùng làm tôn chỉ cho trường dạy nghề. Trước đây và đến bây giờ, ai cũng biết muốn làm giàu là phải biết tạo ra công việc lớn, như lập hãng xưởng, làm sản xuất, làm thương mại và như vậy là phải nhờ vào nhiều bàn tay của nhiều người mới phú được. Còn chỉ với đôi tay của mình, kiếm được đủ ăn đủ nuôi gia đình là giỏi lắm rồi. Nhưng ngày này, chỉ biết dùng đôi bàn tay của người khác thôi là chưa đủ, mà còn phải biết dùng đến cả ý tưởng của người khác nữa, do đó mới có 3 chữ Nâm-Ý-Phú.

 

Chữ [NÂM] là gồm chữ [THA] ghép với chữ [TÂM], chữ này có ý nói đến ngôi thứ ba, hay nói đến người khác với lòng trịnh trọng.

 

Tha là ngôi thứ ba, dùng để chỉ ông ấy, bà ấy, anh ấy, cô ấy, chị ấy, tức là những người khác....Nghĩa của nó là nói đến người khác. Dưới chữ Tha thêm bộ Tâm ý là để tỏ lòng kính trọng người mình nói đến. 

 

 

Chữ [Ý] là gồm chữ [LẬP] ghép với chữ [VIẾT] và chữ [TÂM], chữ  này có ý nói đến ý tưởng, lý trí, một sản phẩm của trí tuệ.

Ý là ý tưởng, là cái sản phẩm của trí tuệ. Lập là sự ngay thẳng, Viết là lời dạy, phép nói, và Tâm là phạm trù thuộc về tình cảm, lòng người, nơi phát xuất của yêu thương.

 

 

Chữ [PHÚ] là gồm chữ [MIÊNG] ghép với chữ [NHẤT], chữ [KHẨU], chữ [ĐIỀN], chữ này có ý nói đến giàu sang, phú quý

Phú chỉ sự giàu sang. Để chỉ sự giàu có, chữ Phú dùng chữ Miêng ý muốn nói đến mái nhà, gia đình, dùng chữ Điền chỉ ruộng đất, ruộng khi nhìn xa sẽ thành một ô vuông (chữ Khẩu) và nếu nhìn ra xa hơn nữa sẽ là đường chân trời (chữ Nhất). Phú là gia đình có nhiều ruộng đất.

 

 

Sau buổi nói chuyện thân tình cởi mở này với bác Quảng, cũng từ ngày đó, trong lớp học của tôi ngày ngày xuất hiện một lão học sinh rất chuyên cần, ông đã theo học nhiều khóa trong thời gian còn lưu lại tại TP-HCM, ông luôn là một tấm gương chuyên cần cầu tiến cho các em học sinh trẻ tuổi khác, ông thường nhắc nhỡ các em lúc các em nãn lòng, ông kể chuyện vui buồn đời thợ cho các em mới học nghề nghe để động viên, và rất lâu sau này, chúng tôi vẫn thư từ hỏi thăm nhau, và bây giờ vẫn còn liên lạc.


Nơi soạn bài chuẩn bị cho buổi học và là nơi làm thực hành thể nghiệm dành cho giáo viên hướng dẫn:

 

 

 

Hãy uống ly trà nóng cho bao ý tưởng xuất hiện và cùng nhau trao đổi cho thỏa lòng.

 

 

Bạn đã đến và Bạn đã đi,

Quanh đây vẫn còn bóng hình Bạn,

Hãy quay lại, nếu Bạn còn có thể,

Để cùng nhau kể tiếp chuyện trời mây...

 

 

 Giáo viên dạy nghề điện tử: Vương Khánh Hưng.

 

 

Vui lòng để lại bình luận
  • online support profile

    vivian.wang.yun

    Kinh doanh linh kiện và thiết bị ngành điện tử và điều khiển điện
Top