(028) 66844775 - 0902760910 banhang@phuclanshop.com
Danh mục sản phẩm

Nói chuyện học thuật và trao đổi kinh nghiệm với Bạn đọc

29 Tháng Tám 2015

 

Rất vui khi thấy Bạn vào xem...


 

Dẫn nhập

 

Nhân có một điện thư của Bạn đọc hỏi tôi, nội dung câu hỏi như sau:

 

Em chào Thầy ! Em là Huy nhóm làm đồng hồ số hôm trước. Thầy cho em hỏi chút nha thầy !
Nhiều lúc em không hiểu, tại sao khi mà mình hiểu lệnh, học thuộc lệnh của 1 con ic 89C51 mà vẫn không biết  áp dụng nó trong những trường hợp nào.
khi đọc của người khác viết ra thì tụi em hiểu được phần nào đó, thế nhưng khi đi tự làm một yêu cầu thì không thể viết được .......
ví dụ:
Một khách hàng  yêu cầu mình làm theo người khách (vi xử lí), nhưng mình đã biết các lệnh mà sao không thể viết...phải chăng tụi em học chưa kỷ hả Thầy!
em không biết học như thế nào để sau này đi làm mà khách yêu cầu làm gì thì mình sẵn sàng thực hiện yêu cầu đó, chứ em không muốn phải tìm trên mạng hay hỏi ai đó như thế giống như căn bản chưa nắm được.Mong Thầy góp ý kiến riêng về cách học  về nghành Điện tử của chúng em. Em chân thành cảm ơn thầy.
có một câu hỏi em không hiểu được, Tại sao các Thầy lại giỏi như vậy? câu hỏi thấy vô lí hả Thầy ? nhưng em vẫn hỏi tại vì sao tụi em không như vậy được, hay tụi em học chưa sâu sắc ?
Em chào Thầy ! Em chúc Thầy mạnh khỏe để có thể thực hiện những mong muốn của thầy và chúc thầy hạnh phúc.
Em Huy.

 

 

 

Phần bài viết

 

Trong lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề:

 

Học hành như thế nào để được toại nguyên như ý, để trở thành một chuyên viên điện tử thực thụ.

 

 

Chào em

 

Lúc này tôi hơi bận, nên lúc đầu định trả lời thư các em một cách dài hơi, nhưng do công việc đâu đâu cứ tìm đến nên không có thời gian ngồi viết một bài dài thật đầy đủ. Thôi không để các em chờ đợi, tôi có vài ý ngắn gọn trao đổi với các em như sau:

 

Muốn kết hợp tốt giữa lý thuyết và thực hành các em thử chọn cách học tập như tôi hiểu xem sao?

 

 

 

Về phần lý thuyết: tôi luôn luôn sắp xếp các tri thức học được trong đầu một cách rất trật tự, vì trật tự vốn là một đặc tính quan trọng của phạm trù thông tin, nó cho phép chúng ta sử dụng các hiểu biết có trong bộ óc theo cách tốt nhất. Em hãy tổ chức bộ óc cho có trật tự cũng giống như em sắp xếp lại các các sách trong một tủ sách vậy, nhờ vậy khi cần thông tin gì thì sẽ biết ngay chổ lấy ra thông tin đó. Các thông tin chúng ta học được ở trường thường gồm có:

 

  

Thứ nhất: Cơ + Lý + Hóa + Sinh.

 

* là học về các chuyển động, nó là một dạng kiến thức phổ quát trong thế giới không thời gian (không gian 3 chiều liên diễn theo trục thời gian đơn hướng).

 

* cơ bản gồm có: Nhiệt học+Quang học+Điện học. Phạm vi khảo cứu của nó cao hơn các chuyển động cơ học.

 

* Hóa học nói về các tương tác của các chất. Cơ bản người ta phân ra hóa vô cơ và hóa hữu cơ. Sự biến hóa của vật chất được nghiên cứu và phân tích với các lập luận của môn hóa học.

 

* Sinh học học về dạng biến hóa phức tạp hơn của vạn vật của tạo vật.

 

Cơ+Lý+Hóa+Sinh tập hợp lại, tạo thành kiến thức khoa học tư nhiên, đây là các kiến thức nhân gian, các dạng kiến thức này chúng ta sẽ tích lũy dần qua quá trình học tập. Lúc sinh ra từ bụng mẹ chúng ta không có các tri thức này đâu, nên ở đây, tôi gọi nó là tri thức nhân gian, cái phải học trong cõi nhân gian mới có.

 

 

 

Thứ hai: Hội họa + Âm nhạc + Toán học + Ngôn ngữ học + Triết học.

 

* Hội họa là môn học có tính năng khiếu, nó giúp cho chúng ta nhìn hình ảnh của mọi vật với nhãn quan nhân bản.

 

 * Âm nhạc là môn học cũng có tính năng khiếu, nó giúp chúng ta nghe mọi âm thanh chung quanh với tâm hồn của con người. 

 

* Toán học là môn học giúp chúng ta tìm hiểu thế giới chung quanh một cách định lượng, đạt đến độ chuẩn xác rất cần thiết cho sự phát triển nhận thức và sự tiến bộ cho toàn xã hội.

 

* Ngôn ngữ là môn học giúp chúng ta phát triển tư duy giao tiếp và nó tạo cho chúng ta khả năng  giao tiếp tốt hơn trong cộng đồng nhân loại.

  

* Triết học là một kết tụ đỉnh cao sau cùng của nhân loại. Cái gì đã trở thành triết lý rồi, đã tạo ra học thuyết rồi là khả năng tồn tại sẽ rất lâu dài.

 

 

Hội Họa+Âm nhạc+Toán+Ngôn ngữ là các tri thức mang tính tiên thiên, chúng ta quen gọi là các môn học có tính năng kiếu, với các môn học này, chúng ta thấy có xuất hiện thần đồng, thần đồng là hiện tượng các em có độ tuổi rất nhỏ mà đã có các hiểu biết cao siêu khác thường, điều này cho thấy có nhiều kiến thức chuyên môn không phải có được từ sự cân cù mài mò học tập như các môn khoa học tư nhiên. Nhưng các kiến thức này cũng là kiến thức nhân gian vì chỉ có sau khi qua một quá trình học hỏi trong thế giới không thời gian mới có.

 

 Vậy có kiến thức nào không phải học mà tự có không?Và nó có ngay từ lúc vừa ra khỏi bụng mẹ? Câu trả lời là có, đó là tri thức bản lai, tri thức bản lai là trí thức vốn có, nhờ có tri thức này mà chúng ta nhận ra thế giới không thời gian và biết cách tuân theo đúng qui luật của nó mà tăng trưởng và rồi trưởng thành. Người ta nói tri thức bản lai có liên quan đến tính thiện và tính ác, nó tạo ra tâm tính của con người, nó truyền đời đời từ kiếp này qua kiếp sau…(có dịp tôi sẽ trở lại phân tích tri thức bản lai tạo ra bản ngã của con người và nó cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống tâm linh của thế giới loài người)

 

 Tóm lại, tất cả các thứ chúng ta nói đến bên trên đều sẽ liên quan đến bộ óc của mỗi chúng ta, chúng ta phải để ra nhiều thời gian tìm hiểu bộ óc của mình một cách đầy đủ mới biết cách tận dụng nó một cách hiệu quả cho cuộc sống của chính mình   


  

Bây giờ nói đến thực hành: Thực hành liên quan đến sự khóe léo, đến kỷ năng của tay chân và thân thể. Muốn có kỷ năng thực hành tốt, bình thường chúng ta phải rèn luyện tay nghề, với khoa học tư nhiên, nhất là trong ngành điện tử, chúng ta phải biết hàn. Hàn bằng cây hàn, hàn bằng cây khò phun gió nóng, hàn qua kính lúp…Biết sử dụng các thiết bị đo lường, như máy đo đa năng, máy hiện sóng…Biết sử dụng kèm, kéo dao búa…Biết vẽ bản thảo, tạo hình, chạy mô phỏng các loại mạch điện trên máy tính…Nói chung các công việc này liên quan đến tay chân.

 

Tóm lại, thực hành liên quan đến sự vận dụng của đôi tay, của khả năng chạy tìm linh kiện, của dụng cụ nghề. Trong thực hành, với phần thực hành em phải đâu tư nhiều tiền bạc để có đủ công cụ, vật liệu dùng làm ra sản phẩm.

 

Đến đây, chúng ta đã có đủ 2 phần: (1) Trang bị tri thức chuyên môn trong đầu và (2) Đã có kỷ năng thực hành rồi. Vậy đã làm được việc chưa?

 

Theo tôi, nếu để 2 phần này không gắn kết với nhau thì cũng không làm được gì nhiều. Chúng ta thử hình dung:

 

 Trường hợp (1) Một em học sinh bình thường học trong trường chuyên ngành, từ tiểu học, lên trung học rồi lên đại học và sau đó ra trường với chức danh kỷ sư điện tử. Thử hỏi em đó có gì? Em được trang bị các kiến thức chuyên ngành, nặng phần khoa bản, trong đầu của em có đủ lý thuyết điện tử, nhưng em có hành nghề được không? Tôi đã thấy rất nhiều em như thế và có một số em còn được giữ lại ở trường để làm phụ giảng, và rồi cũng dạy ra một thế hệ các em chung chung không đáp ứng được với thực tế… còn các em khác phải ra đời không kham nổi các công việc cụ thể ở các xí nghiệp, luôn phải chạy vòng vòng và cũng không thể hành nghề tự do vì thiếu thực tế, thiếu năng lực thực hành. Đó là một hiện tượng có thật

 

 
 

Trường hợp (2) Một em khác từ nhỏ gia đình gửi học nghề trong các tiệm sửa chữa điện tử, học nghề theo kiểu cằm tay chỉ việc, hay nói học nghề như kiểu học võ, mười năm sau, em có thể hành nghề điện tử, nhưng công việc làm được rất hạn chế, tôi có nhiều người bạn học nghề theo dạng này, Bạn sửa máy mà không biết nhìn sơ đồ mạch điện, nhiều khi không cần đo, không biết đo…Khi các thiết bị điện tử còn đơn giản thì còn hành nghề được, nhưng do sự phát triển của ngành điện tử quá nhanh, khi các thiết bị trở thành tinh vi hơn, li ti hơn, thì “bó tay” và bỏ nghề… Chuyển qua làm các công việc khác (dĩ nhiên).

 

Từ các ghi nhận trên, trước hết tôi thấy rõ mình cần phải có đủ 2 phần. Trong đầu phải có lý thuyết và tay chân phải có kỷ năng thực hành… và sau đó điều quan trọng cực kỳ là phải biết cách phát hiện và tạo ra các sơi-liên-kết nối dính giữa lý thuyết và thực hành. Càng có nhiều các sơi-liên-kết này tay nghề của Bạn sẽ càng bền vững.

 

Tôi cho một thí dụ về các kết tụ của sơi-liên-kết (nó bắt cầu giữa lý thuyết và thực hành). Nếu trên tay Bạn đang có một con ic (?), trong đầu Bạn phải có ngay các hiểu biết về nó và phải làm được các ứng dụng cơ bản trên con ic này. Nhìn một sơ đồ mạch điện Bạn phải có hiểu biết về cách thức làm board mạch in dùng cho sơ đồ mạch điện đó…Khi tôi học về một linh kiện mới, tôi bỏ nhiều công sức đi tìm cho ra linh kiện này và phải cằm được nó trên tay để tự phát hiện ra các sơi-liên-kết gắn giữa tri thức có trong đầu và món đồ tôi đang có trên tay, chỉ khi nao tạo được xong các sơi-liên-kết tôi mới hài lòng. Tôi không tách các hiểu biết ra khỏi cái thực tiển của cuộc sống…Bạn có thấy nếu có tri thức chuyên ngành chung chung quá nhiều thì chỉ nói giỏi nhưng chưa chắc đã làm được nhiều, còn chỉ có đôi tay khéo làm mà thiếu tri thức cũng không làm được gì nhiều phải không? Chỉ có các kết tụ sơi-liên-kết gắn tri thức và thực hành mới giúp Bạn làm được những gì mà Bạn muốn hay người khác yêu cầu Bạn làm.

 

 

Bạn nhớ “sơi-liên-kết” chỉ có “sơi-liên-kết” như tôi nói ở phần trên mới chính là cái giá trị thật sự của Bạn trong cõi nhân gian này. Hãy đi tìm nó...

 

 

Đến đây tôi muốn kết bài viết là: Bạn hãy đi tìm các kết tụ sơi-liên-kết vì chỉ có nó sẽ giúp Bạn kết nối được giữa một thứ là tri thức có trong thế giới “ảo” và một thứ là các công việc thực tế hiện hữu trong thế giới “thực”. Thiếu các kết tụ sơi-liên-kết này Bạn sẽ không gắn kết được hiểu biết (trong đầu) với thực hành (trong cuộc sống), khi đó năng lực sống của Bạn sẽ rất hạn chế.

 

Chào các em trên đây là một số ý kiến tóm lược của tôi, nghiệm ra từ cuộc sống thật của một người bình thường có trên 40 năm làm nghề điện tử. Khi xem bài viết này các em có thể đồng ý hay không đồng ý, đó là chuyện thường tình. Khi nào có dịp chúng ta sẽ trở lại vấn đề này một cách chi tiết hơn. Sau cùng, chúc cả nhóm luôn có thân thể mạch khỏe, tình cảm vui vẽ, tinh thần mới mẽ, luôn trẻ.

 

 

Người soạn: Vương Khánh Hưng

 

 

 

 

Kể Bạn nghe câu chuyện đời thường của tôi ở xứ Mỹ.

 

 

Tôi kể nhanh câu chuyện dưới đây cho thấy cách học để tạo ra các sơi-liên-kết giữa các tri thức (trong bộ óc) và công việc thực hành (trên đôi tay).

 

.....

 

 

Lúc này ở vùng Đông Bắc nước Mỹ trời đã vào mùa đông. Ở Quincy-Boston Mỹ mùa đông ngoài trời rất lạnh, nhiệt độ thường dưới 0 độ C, dù vậy vẫn chưa có tuyết, chỉ thấy các vũng nước ngoài đường đều đã bị đong cứng thành đá. Hôm nay rảnh việc, tôi mặc hai ba cái áo ấm vào người và rảo bộ đến tiệm Goodwill ở gần nhà. ở Mỹ có một hệ thống các tiệm chuyên mua bán các món đồ bá tánh hiến tặng, nó là nơi mà Bạn có thể tìm hiểu nghiên cứu các vật dụng thường dùng trong các gia đình của người Mỹ. Chỉ ở đây Bạn mới có thể nhìn thấy đủ thứ đồ linh tinh, từ cao sang đến bình dân, từ ly kỳ đến đơn giản, tất cả đều là đồ hiến tặng. Các món đồ cho này có thể là:

 

* Do các cửa hàng ế khách, dẹp tiệm mang đồ đến đây để cho và bán rẻ lại cho người cần dùng. Tất cả các món đồ cho đều được định giá để nhà nước giảm thuế cho người hiến tặng.

 

* Cũng có đồ do các gia đình dọn dẹp nhà cửa đem đến tặng hay kể cả các vật dụng của các ông lão, bà cụ qua đời mang đến để chia xẻ với mọi người  dùng cũng không biết chừng (?).

 

  

Nói chung là đồ ở đây là donation cả. Trưa nay, như thường lệ khi vào cửa hàng, tôi thường dạo qua các nơi bày bán các món đồ điện tử, tôi bắt gặp một đống các Light Dimmer, tất cả còn nguyên trong vỏ bao mới tinh, trong đầu tôi đoán là nó rất rẻ tiền nên hốt hết cả chục bộ bỏ vào vỏ nhựa rồi rảo qua đi tìm các món đồ khác. Đồ bán ở đây dù mới hay cũ, dù còn trong bao dán kín hay không, Bạn đều có thể tháo bung ra xem, Bạn có thể chỉ chọn một thứ trong hộp thôi cũng được, hay Bạn cũng có thể gôm các thứ từ các món đồ khác nhau ghép thành một bộ hoàn chỉnh cũng không ai nói gì. 

 

 

 

Trước khi ra về, tôi thường ghé qua các quầy sách, tìm mua các cuốn sách hay mang về để đọc hay làm tài liệu tra cứu. Sách ở đây bất kể dầy hay mỏng, nếu là sách bìa cứng thì 1 đô 99 xu còn sách bìa thường là 0.99 đô. Các sách học vi tính thì rất nhiều, rất đồ sộ, nhiều cuốn sách rất quý (lúc ở bên nhà VN tìm không ra) cũng vẫn được bán theo qui định trên, do đó có người mua cả thùng sách mà cũng chỉ mất vài chục đô.

 

…Đúng như tôi nghĩ, ở quầy tính tiền, cô Mỹ trắng rất đẹp người đã tính tôi mỗi bộ Dimmer chỉ có 50 xu, như vậy là rẻ như cho rồi.

 

 

Tôi mang các bộ Dimmer về và bắt đầu công việc “mổ xẻ” trong phòng thực hành đặt ở bên dưới tầng hầm (Ở vùng đất này, nhà nhà đều có một tầng hầm (basement), bên dưới basement đặt các máy giặt, máy sấy và lò máy sưởi, và nhiều đồ linh tinh khác…).     

  

 

 

 

Trước hết, tôi lấy máy khoan phá 2 ốc tán để bỏ vỏ nhựa bao bên ngoài ra, lấy phần ruột bên trong ra. Nhin qua các linh kiện của bộ Dimmer cũng đã thấy được phần nào sơ đồ mạch điện của nó. Dù sao để hiều rõ hơn, tôi vẫn vào mạng truy tìm các đặc tính của các linh kiện dùng trên bo mạch này, nhất là TRIAC SC141B.

 

 

 

Sau khi vẽ xong sơ đồ mạch điện, tôi hiểu ngay nguyên lý vận hành của nó, mạch điện làm việc như sau:

 

Lúc Q1 ở trạng thái tắt thì mức áp AC trên đường nguồn AC sẽ qua điện trở RV1, R1 cho nạp dòng vào tụ C1, khi mức áp trên tụ C1 lên cao hơn 33V thì DIAC (BR100-03) sẽ bị kích dẫn và sẽ dẫn rất mạnh do nó vào vùng điện trở âm. Lúc này Q1 (TRIAC) sẽ dẫn điện rất mạnh, nó cấp dòng cho đèn và đồng thời làm cho tụ C1 xả hết điện… và chờ đến khi mức áp AC giảm xuống đến mức 0V (điện xoay chiều dạng Sin, trong mỗi chu kỳ đều có lúc qua mức áp 0V) thì TRIAC sẽ lại tự vào trạng thái tắt, và lúc này tụ C1 lại trở lại nạp điện của đường nguồn AC…và hiện tượng Q1 lại dẫn điện như phần trên sẽ xuất hiện. Từ phần tích này chúng ta thấy, nếu tăng trị của điện trở lên, thời gian tụ C1 nạp điện sẽ chậm lại, mức áp trên tụ C1 lên chậm, nó sẽ làm thu hẹp góc dẫn điện của Q1, vậy lượng điện cấp cho bóng đèn sợi nung sẽ ít hơn, bóng đèn sẽ sáng mờ, nếu giảm trị của điện trở thì bóng đèn sẽ sáng mạnh hơn. Nói chung hoạt động của mạch điện này rất đơn giản, Bạn có thể tham khảo thêm trong các bài viết sau đây có liên quan đến mạch điện TRIAC tương tự.

 

 

 http://phuclanshop.com/TraoDoiHocTap-ChiTiet.aspx?NewsId=77

 

 

 

 http://phuclanshop.com/TraoDoiHocTap-ChiTiet.aspx?NewsId=64

 

 


Sau đây là các hình chụp dùng mô tả một công việc thường làm của tôi mỗi khi khảo sát các món đồ mà tôi có trong tay.

 

(1) Tra tìm các tư liệu có liên quan.    

  

(2) Dùng thực hành khám phá các đặc tính của các bộ phận của thiết bị.

 

(3) Đút kết lại, ghi chép và tạo ra các ghi nhận để nhớ lâu, nhớ kỷ.

 

Chỉ sau khi làm xong các công đoạn này, món đồ mà tôi muốn “học hỏi, tìm hiểu” mới thực sự hình thành tri thức hữu dụng, sẽ không còn là các hiểu biết chung chung nữa, làm như vậy tôi tự nói là đã tạo ra được các “sơi-liên-kết” giữa lý thuyết và thực tiển, tức là đạt đến mức TRI HÀNH HỢP NHẤT . Với cách học này, với quá trình tích lũy tri thức nhân gian trong nhiều năm, bây giờ mỗi khi nhìn thứ gì ở chung quanh tôi, dùng phép liên tưởng, tôi cũng có cái cảm giác là “hiểu được nó” đến tận ruột gan. Ngoài ra, cũng nhờ làm thêm công tác dạy nghề nên tôi có điều kiện luôn lập đi lập lại các kiến thức chuyên môn và luôn phải nhận các “phản biện” của các Bạn học viên nữa, do đó các hiểu biết càng in sâu hơn trong đầu, nói theo ngôn ngữ của dân máy tính là bộ nhớ luôn được “làm tươi”, có phải nhờ vậy mà đầu óc luôn thức tĩnh trước các đòi hỏi công việc chăng (?).       

 


Hình chụp cho thấy bàn làm việc của tôi, tôi thường truy tìm dữ liệu của các board mạch trước khi vẽ sơ đồ mạch điện của board.  Phải tự tay truy vẽ các sơ đồ mạch điện chúng ta mới nhớ sâu và sau này khi nhìn vào món đồ mà minh đã bỏ công ra "phân tích", mình sẽ nhớ ra ngay các đặc tính của mạch, làm như vậy, chúng ta đã tạo ra được sự-liên-kết giữa cái đã có trong đầu và cái hiện có trong đời-thường. Muốn trở thành một chuyên gia về ngành điện tử, chúng ta phải tốn rất nhiều công sức tự học tập mới tạo ra được nhiều hiểu biết có tính ứng dụng được. Ngược lại các hiểu biết của chúng ta sẽ có tính chung chung chưa "làm được".   

 

 

 

 

Hình chụp cho thấy các thành phần của mạch Light Dimmer. Mạch đuợc vẽ lại và đo kiểm tra cẩn thận, trên bàn phải có 2 loại máy đo, một máy đo Digital và một máy đo Analog. Hai lại máy đo này có những đặc tính rất khác nhau, cách dùng cũng có nhiều chổ rất khác nhau. Ở đây không nên hiểu loại máy đo nào "hiện đại" hơn loại máy đo nào. Vấn đề này Bajn có thể tìm đọc trong các bài viết trước đây của tôi.

 

 

 

Hình chụp cho thấy các thành phần linh kiện của board Ligh Dimer.

 

 

 

 

Ở VN chúng ta dùng nguồn AC 220V, do đó tôi tìm sơ đồ mạch điện dùng TRIAC điều khiển công suất cấp cho tải dùng nguồn AC 220V. Sơ đồ mạch điện như hình sau:

 

 

 

Nguyên lý hoạt động của mạch như sau: Khi Q1 ở trạng thái ngưng dẫn, mức nguồn AC 220V sẽ qua các biến trở RV1, RV2 và điện trở R1 nạp điện vào tụ C1 và qua mạch R2 nạp điện vào tụ C2. Khi mức áp trên tụ C2 cao hơn 33V thì Diac BR100-03 sẽ bị kích dẫn, nó cấp dòng cực Gate cho TRIAC và TRIAC sẽ chuyển vào trạng thái dẫn điện, Q1 dẫn điện sẽ cấp dòng cho tải. Và khi mức áp AC chuyển qua mức áp 0V, TRIAC sẽ tự tắt và lúc này tụ C2 sẽ lại được cho nạp điện và quy trình trên sẽ được lập lại. Phân tích cho thấy nếu Bạn giảm trị của RV1, RV2, thòi gian nạp điện của tụ C1, C2 sẽ nhanh, như vậy góc dẫn của TRIAC sẽ lớn và lượng điện cấp cho tải sẽ nhiều hơn, bóng đèn sẽ sáng hơn, ngược lại nếu tăng trị của RV1, RV2, thời gian nạp điện của tụ C1, C2 sẽ chậm, và góc dẫn của TRIAC sẽ nhỏ và lượng điện cấp cho tải sẽ ít hơn, bóng đèn sẽ mờ hơn. Trong mạch cũng dùng cuộn cảm L1 và tụ C3 để lọc nhiễu, tránh nhiễu hài của TRIAC nhiễm và đường nguồn AC. Nìn chung mạch này cũng hoạt động như mạch trên.

 

 

Người soạn  mời Bạn vào xem...

 

 

Sau cùng cũng với câu nhắn quen thuộc là...

 

 

 

Vui lòng để lại bình luận
  • online support profile

    vivian.wang.yun

    Kinh doanh linh kiện và thiết bị ngành điện tử và điều khiển điện
Top