(028) 66844775 - 0902760910 banhang@phuclanshop.com
Danh mục sản phẩm

Chuyên đề Tự học Hoa ngữ: Bài 1: Kể chuyện cách tôi tự học Hoa ngữ

29 Tháng Tám 2015

Trước hết chúc Bạn:

 

 

Sinh ý hưng long thông tứ hải                      生意興隆通四海

 

Tài nguyên quảng tấn đạt tam giang       財源廣進達三江

 

 

 

 

Dẫn nhập

 

Ngày nay, thời đại của toàn cầu hóa, thời đại của mạng toàn cầu, nếu Bạn không biết thêm thứ tiếng ngoại ngữ nào ngoài tiếng mẹ đẻ (không phải là Anh văn) thì khả năng thích ứng của Bạn sẽ bị hạn chế. Kinh nghiệm của tôi, hai ngoại ngữ hiện rất cần thiết đối với chúng ta là Anh ngữ (English language) và Hoa ngữ (话语). Đối với người Việt, Anh ngữ là dạng ngoại ngữ hiện đã rất quen thuộc, tài liệu tiếng Việt dùng học Anh ngữ hiện có rất nhiều, không kể hết, nhưng tư liệu học Hoa ngữ thì lại ít. Nhớ lại lúc ở bên nhà có nhiều Bạn sinh viên muốn tra tìm tư liệu kỹ thuật chữ Hoa, vốn có vô số trên các trang mạng, nhưng lại không biết xem, có nhiều thương nhân thường ra ngoài giao tiếp với giới người Hoa lại không biết nói, nên các Bạn này đã đến nhờ tôi hướng dẫn cách học chữ Hoa nhanh. Qua kinh nghiệm của các lớp dạy này, tôi thấy trên thế giới người học hiểu chữ Hoa dễ nhất nhanh nhất và sâu nhất chính là người Việt mình. Tại sao? Tại vì thời xa xưa chúng ta đã có chữ Nôm, một dạng chữ của người Việt nhưng tạo tác trên nền của chữ Hoa, và phải nói mãi đến ngày nay chúng ta còn dùng rất rất nhiều các từ Hán Việt trong sinh hoạt đời thường, đó chính là nền tảng đã giúp cho người Việt học chữ Hoa có kết quả tốt nhất, tốt hơn các bạn nước khác, và tôi mạnh miệng nói người Việt học xong chữ Hoa sẽ còn giỏi hơn chính người Hoa học chữ Hoa nữa.

 

Ở đây, tôi không dám nói mình dạy các Bạn học chữ Hoa, dạy Bạn nói tiếng Hoa, thật ra tôi chỉ kể lại các câu chuyện về cách tự học chữ Hoa của bản thân mình. Tôi học chữ Hoa không theo cách thức học của người Hoa học chữ Hoa, tôi tự học chữ Hoa trên nền tảng của một người đã biết rất rành chữ Việt rồi mới học chữ Hoa, nghĩa là học chữ Hoa dưới cái nhìn của người Việt đã trưởng thành. Phải nói trước điều này Bạn mới thấy phương pháp tự học chữ Hoa của tôi rất khác cách học truyền thống xưa nay. Tôi có cách học chơi chơi mà vui và hiệu quả, có lẽ Bạn chưa tin, Bạn không tin phải không? Rồi Bạn sẽ thấy... 

 

 

1. Khái quát về chữ Hoa và tiếng Hoa.

 

 

Khi kèm các Bạn trẻ các Bạn già đến nhà học chữ Hoa với tôi, tôi thường hỏi các Bạn câu này: "Bạn nhìn chữ Hoa Bạn cảm thấy được điều gì?". Đa số đều trả lời là chữ Hoa rất khó hiểu, quá khó nữa là khác. Ha! haha!! Tôi nghỉ nếu Bạn chưa biết nội hàm của chữ Hoa Bạn cũng trả lời là "Chữ Hoa quá khó". Thật ra chữ Hoa chỉ là các ký hiệu, không hơn không kém, chữ dùng hình vẽ để mang nghĩa, nó không khác gì các ký hiệu vật lý, toán học mà chúng ta đã quá quen, quá quen như ký hiệu điện trở, ký hiệu diode, ký hiệu transistor, ký hiệu số, ký hiệu các phép toán...mà chúng ta đã dùng trong bộ môn điện tử học, toán học. Chữ Hoa là hiện thân của một ngành học "Siêu ký hiệu". Sau khi học biết cách kiến tạo ra các chữ Hoa xong, Bạn sẽ có được cái nhìn mới trên tất cả các ký hiệu khác với một cặp mắt tinh tường hơn rất nhiều, điều này rất có ích với các Bạn đang làm công tác khoa học, kỹ thuật.

 

Trước hết hãy nói sơ qua cách nhìn chữ Hoa như một hình vẽ, như một siêu ký hiệu. Bạn xem các hình sau:

 

 

Trong chữ Hoa không phải cứ một hình vẽ mới mới là một chữ, để tạo ra các chữ mới khác, người ta dùng cách cho ghép các chữ đã có lại và rồi cho nó một nghĩa mới. Bạn xem các thí dụ sau:

 

 

 

Giải thích mở rộng:

 

 

❶ Bạn ghép chữ Nhật 日 với chữ Nguyệt 月 sẽ tạo ra chữ Minh 明. Minh có nghĩa là sáng. Dĩ nhiên rồi ban ngày sáng nhờ mặt trời còn ban đêm sáng nhờ mặt trăng. <Bright, brilliant, light>.

 

❷ Bạn ghép hai chữ Nhật 日, một ở trên, một ở dưới sẽ tạ ra chữ Xương 昌. Xương có nghĩa là sáng láng, tốt lành. <Light of sun, good, proper>.

 

❸ Bạn ghép hai chữ Nguyệt 月 với nhau sẽ tạo ra chữ Bằng 朋. Bằng có nghĩa là bạn bè, ẩn dụ là hai người cùng nhìn một vành trăng. <Friend, pal, acquaintance>. 

 

❹ Bạn ghép chữ Nhật 日 trên chữ Nhất 一, ở đây có nghĩa là đường chân trời để tạo ra chữ Đán 旦, Đán là nói lúc mặt trời lên qua đường chân trời thì là buổi sáng, cái mới sinh ra như trong từ nguyên đán, đán sinh. <Dawn, morning, day>.

 

❺ Bạn ghép chữ Cổn 丨, dùng một vạch đứng ghi lại mức thời gian với chữ Nhật 日 tạo ra chữ Cựu 旧. Cựu có nghĩa là cũ, đã qua. <Old, ancient, former, past>.

 

❻ Bạn ghép chữ Nhật 日 trên chữ thập 十, ở đây hiểu là chữ Nhất 一 là đường chân trời, chữ Cổn 丨 là tia sáng để tạo ra chữ Tảo 早. Tảo có nghĩa là sớm, buổi sáng, mặt trời lên và phát ra các tia sáng. <Early, soon, morning>.

 

 

 

Bây giờ nói đến âm đọc của chữ Hoa.

 

 

Trong giao tiếp tự nhiên của loài người, chúng ta thường dùng tay để viết chữ và xem chữ bằng mắt, nhưng lại dùng miệng để nói và dùng lỗ tai để nghe tiếng. Để hoàn chỉnh một công cụ truyền đạt thông tin trong giao tiếp, trên các chữ viết phải thể hiện được âm đọc.

 

Vậy âm đọc của các chữ Hoa ra sao?

 

Nói cho đúng, trên các chữ Hoa không bao hàm phần ký âm như các con chữ La Hy. Chữ Hoa chỉ là các hình vẽ không hơn không kém, chủ yếu nó là các ký hiệu dùng nhiều cho con mắt. Vậy làm sao đọc các chữ này, điều này tùy Bạn thôi. Bạn hãy cho nó một âm đọc theo bản ngữ và khi đọc lên thì mọi người nghe hiểu và Bạn cũng có thể viết ra chữ đó. Do vậy một chữ Hoa sẽ có rất nhiều âm đọc tùy theo qui định của bản ngữ. Như:

 

Chữ viết này , người Việt đọc là "Nhật', người Bắc kinh, Đài Loan đọc là "ri' và người Quảng Đông đọc là "yat6'... Còn người Triều Châu, người Hải Nam, người Phúc Kiếng...lại có cách đọc khác nữa. Nhưng dù đọc với âm là gì gì đi nữa, người ta cũng hiểu nghĩa của chữ  là mặt trời, là ngày. Đó là đặc điểm quan trọng của chữ Hoa, nó là các hình vẽ mang nghĩa là chính, trong đó không chứa các ký hiệu biểu âm. Vậy khi muốn giao tiếp nói chuyện với người Hoa chúng ta sẽ dùng loại tiếng nói nào. Ngày nay, người học chữ Hoa thường học theo âm Quan Thoại, vì người Hoa lấy âm Quan Thoại, còn gọi là tiếng phổ thông, để làm ngôn ngữ giao tiếp chính. Nhưng các người Hoa ở Việt Nam thường lại dùng tiếng Quảng Đông, do đó, là một người Hoa ở Việt Nam thường có thể nói được tiếng Quảng Đông và cả tiếng Quan Thoại. Tuy nhiên ở bài viết này, tôi sẽ ghi âm đọc và hướng dẫn cách đọc các chữ Hoa theo tiếng Quan Thoại. 

 

 

Nói qua về cách thức ghi ký âm được dùng để ghi lại cách đọc cho các con chữ Hoa theo âm Quan Thoại.

 

 

 

Người Hoa chọn cách ghi âm đọc cho các con chữ như sau:

 

 

         Phụ âm đầu  +  Vận     và rồi thêm thanh điệu trên chữ ký âm

 

 

 

Dưới đây là các ký âm Latin được dùng đến để ghi lại cách đọc (Cách ghi này cũng giống như cách ghi của chữ Việt chúng ta, nhưng người Hoa không dùng phụ âm đuôi, vì phụ âm đuôi đã ghép trong vận rồi).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Về thanh điệu trong tiếng Quan Thoại:

 

 

 

 

Bạn xem hình minh họa cách phát âm các chữ theo các thanh điệu bình thanh - dương bình - thượng - khứ trong tiếng Quan Thoại. Như vậy trong tiếng Quan Thoại chỉ có 4 thanh điệu và một thanh phát nghe nhẹ.  Không giống thanh điệu trong tiếng Việt có 6 thanh điệu: bình thanh - sắc - huyền - nặng - hỏi - ngã. Cũng do vậy âm trong tiếng Quan Thoại ít hơn và đã gặp vấn đề trùng âm dị nghĩa rất trầm trọng.

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 Một vài thí dụ:

 

 

Câu trên có nghĩa là: Bạn có khẻo không? <How are you?>

 

Sau khi biết âm đọc của các chữ Hoa theo ký âm Latin, Bạn muốn gõ chữ Hoa trên máy vi tính, Bạn có thể chọn cách gõ theo các ký âm Latin, tức gõ âm đọc của chữ.

 

Thí dụ:

 

Muốn có câu "I love you", nghĩa là anh yêu em hay em yêu anh, thì Bạn gõ: wo ai ni, vậy là có 3 chữ sau: 我爱你 。

 

Bạn khỏe không?   Bạn gõ: ni hao ma, là có 3 chữ: 你好吗

 

Tôi rất khỏe.    Bạn gõ: wo hen hao, là có 3 chữ: 我很好

 

Tôi thích học môn điện tử.   Bạn gõ: wo ai xue dian zi, là có 5 chữ: 我爱学电子

 

Bạn dùng từ khóa 单片机 Bạn gõ: dan pian ji sẽ có 3 từ này và nếu gõ trong ô Google search, Bạn sẽ tìm ra vô số các trang Web nói về các IC đơn phiến, như ic AT89C51, AT89C2051, PIC, ARM...Người Hoa dịch từ One chip là đơn phiến.

 

 

 

Đây là trang Web của Khổng Tử học viện, ở đây có chương trình dạy chữ Hoa và tiếng Hoa rất hay. Tuy nhiên phần dãn giải lại dùng chữ Anh.

 

 

✐ Bạn click vào dòng chữ để vào trang Web tự học cách đọc phiên âm chữ Hoa.

 

 

 

Đây là trang Web giới thiệu rất nhiều nét về nền học thuật chữ Hoa, vào đây, Bạn có thể gõ lấy các chữ Hoa theo cách gõ phiên âm. Cách sử dụng rất đơn giản, rất phù hợp với các Bạn muốn truy tìm tư liệu trên các trang Web tiếng Hoa. 

 Bạn click vào dòng này để vào trang Web, ở đó gõ phiêm âm để lấy các chữ Hoa

 

 

 

Trong phần tiếp theo tôi sẽ nói về cách viết các chữ Hoa, Bạn hãy xem chữ Hoa chẳng qua là các hình vẽ trong một ô vuông mà thôi, không có gì khác.

 

 

Cách viết chữ 你  

 

 

Cách viết chữ 好  

 

 

Cách viết chữ 吗  

 

 

 

 

  

2. Các nét viết cơ bản và các nét biến cách dùng viết chữ Hoa dạng hình vẽ.

 

 

Chữ Hoa chỉ là các hình vẽ dùng để mang nghĩa, nó được vẽ ra từ các nét cơ bản như bảng sau. Theo qui định các nét này vẽ trong một ô vuông để tạo ra chữ, có nghĩa là dù chữ có ít nét hay có nhiều nét đều cũng chỉ vẽ trong các ô vuông bằng nhau. Thông thường các nét được cho vẽ từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, hay từ giữa ra hai bên. Rất đơn giản.

 

 

 

 

Trong chữ Vĩnh 永, Bạn thấy nó được thể hiện bởi 8 nét có dáng điệu khác nhau, do đó người ta nói trong chữ Vĩnh này có đủ 8 nét cơ bản nhất của cấu trúc chữ Hoa. Người học viết chữ Hoa cho đẹp thường lấy chữ Vĩnh để luyện tập viết chữ, nếu luyện viết cả 8 nét này đều đẹp thì Bạn sẽ có thể viết các chữ Hoa khác cũng rất đẹp.

 

 

 8 nét vẽ cơ bản dùng viết chữ Hoa

 

 

Tôi tạo ra một hình động dưới đây để Bạn thấy trình tự nên theo khi viết các nét để tạo ra chữ Vĩnh.

 

 

 Tất cả các chữ Hoa đều viết trong các ô vuông.

 

Tóm lại, tất cả các chữ Hoa đều được tạo ra từ các nét vẽ cơ bản hay biến cách, các nét vẽ của một chữ dù nhiều hay ít đều chiếm một không gian bằng nhau, đó là các ô vuông. Khi đọc một văn bản chữ Hoa, nếu dòng chữ viết ngang, Bạn cũng đọc từ trái qua phải, nhưng nếu các chữ viết theo chiều dọc thì Bạn sẽ đọc các dòng chữ dọc từ phải qua trái.

 

 

Muốn viết chữ đẹp người Hoa thường luyện chữ, lấy giấy chia ra các ô vuông rồi viết chữ vào các ô này. Bạn xem hình dưới đây cho thấy cách người Hoa luyện chữ trên các giấy chia ô. Các chữ viết theo bộ "Tam tự kinh", đây là một bộ sách đã có khoảng 700 năm, trong đó là các đoạn đọc theo nhịp 3 chữ có dần dễ đọc dễ nhớ, các chữ này thường dùng nhắc lại các điển tích, mục đích của nó là giúp cho trẻ nhỏ vừa học thuộc mặt chữ, vừa học cách viết, vừa thuộc âm đọc. 

 

 

 

 

Nếu thích thì Bạn lên mạng tải về các bộ chữ "Tam tự kinh" để xem chơi cho biết. Ở đây, chúng ta không tập trung nói về vấn đề này. Chúng ta tập trung cách học hiểu các con chữ dùng cho công việc phát triển tư duy, mở rộng nhận thức và dùng trong giao tiếp thương mại, khoa học kỹ thuật hiện đại. Đó mới là mục đích chính của loạt bài viết này.

 

 

✐ Bạn click vào dòng này để vào Youtube xem chữ và nghe đọc "Tam Tự Kinh"

http://v.ku6.com/show/pRmlVo--qfGanJ47.html

 

 

 

 

Bạn có thể vào trang Web này để xem cách viết các chữ Hoa. Bên cạnh chữ Hoa còn có các ký tự phiên âm.

 

Bạn click vào dòng chữ này để vào trang Web xem cách viết các chữ Hoa.

 

 

 

 

3. Bộ, các con chữ cơ bản, cách tìm hiểu 214 bộ.

 

 

Bạn biết trong môn "Siêu ký hiệu học" chúng ta có 5 phần:

 

Phần 1 là đi tìm các vật liệu cơ bản để tạo ra các vật thể.

Phần 2 là dùng các vật liệu trên tạo ra các đơn thể hoàn chỉnh.

Phần 3 là dùng các đơn thể tạo ra các phức thể đa chức năng.

Phần 4 là sàn lọc, loại bỏ các phức thể có lỗi và giữ lại các phức thể tốt.

Phần 5 là ứng dụng, khai thác, và phát triển.

 

 

(Trong ngành điện tử học cũng vậy, bước đầu là phải nói đến vật liệu, như chất kim loại, bán dẫn, sành sứ, nhựa, đất... Kế đó là chế ra các linh kiện đơn lập hoàn chỉnh, như điện trở, tụ điện, cuộn cảm, diode, Led, transistor...Từ các đơn thể này tạo ra các phức thể đa năng như chế ra các chủng loại IC... Đến bước 4 là bước đánh giá và chọn lọc, có cái dùng tốt thì lưu lại cái xấu, bị lỗi thì bỏ đi và sau cùng là bước 5, đưa các phức thể này vào ứng dụng phục vụ nhân sinh)

 

 

Trong sự hình thành của chữ Hoa cũng vậy, trước hết người ta tạo ra các nét vẽ cơ bản, nó được xem như là các vật liệu ban đầu dùng tạo ra các con chữ. Phần hai là tạo ra các con chữ đơn thể hoàn chỉnh mà người Hoa gọi là "bộ thủ", có 214 bộ. Bộ thủ là các đơn thể hoàn chỉnh, trong mục này chúng ta sẽ tìm hiểu các bộ thủ của chữ Hoa (Làm công việc cũng giống như ở giai đoạn mà chúng ta tìm tòi học hiểu từng linh kiện một trong môn điện tử vậy).

 

Muốn học nhớ được nhiều chữ Hoa, trước tiên chúng ta phải tìm ra cách học hiểu các bộ thủ, khi đã hiểu thật rõ ý nghĩa của các bộ thủ sau đây chúng ta sẽ hiểu các chữ Hoa phức thể rất dễ dàng, vì các chữ phức thể đã được tạo ra từ các bộ chữ này mà thôi. 

 

 

  

Bảng trên đây cho thấy các bộ thủ cho sắp theo số nét của chữ. Bạn có thể tìm ý nghĩa, âm đọc của từng bộ thủ theo các bảng liệt kê dưới đây:

 

 

 

 

 

 

 

 

Bảng trên là 214 bộ (không tính các bộ thủ dùng cho chữ giản thể), bên cạnh có ghi âm đọc Hán Việt, phần phiên âm theo tiếng Quan Thoại và phần giải thích nghĩa tóm lược chữ Việt, chữ Anh. Phần tiếp theo chúng ta sẽ thử dùng cách học "tự lý giải, tự suy luận" để tìm hiểu vài ngàn chữ Hoa qua các bộ chữ cơ bản trên, theo tôi nếu Bạn quen nhìn mặt trên 2500 chữ Hoa thì Bạn sẽ có thể đọc được tài liệu kỹ thuật điện tử chữ Hoa. Câu hỏi là Bạn có thuộc nỗi 2500 chữ Hoa không? Theo tôi nếu Bạn biết cách học và thích học thì chỉ vài tháng là Bạn có thể nhớ đến trên 3000 chữ Hoa một cách dễ dàng. Vấn đề ở đây chỉ là biết phương pháp học mà thôi. Trong các phần trình bày tiếp theo tôi sẽ trao đổi với Bạn về cách tự học chữ Hoa của tôi, mong các ý tưởng này có ích với Bạn.

 

 

Bảng này cho thấy một số bộ thủ đã được chọn đặt ở các vị trí qui định, như đặt nó nằm bên phải, bên trái, bên trên, bên dưới, hay nó bao gánh các phần khác... Những qui định này chỉ là nhằm tạo ra các con chữ cân đối, nhìn cho đẹp mắt.

 

 

 

 

Để hình của chữ đẹp hơn, người ta còn cho đổi hình dạng của một số bộ thủ, nghĩa là một bộ thủ có nhiều hình vẽ và tùy theo hình vẽ của bộ thủ mà nó được đặt đúng vị trí của nó, do vậy tùy theo vị trí sắp đặt mà các bộ thủ trong bảng sau sẽ có hình dạng thay đổi khác nhau, nhưng không thay đổi nghĩa của nó.

 

  

 

Cũng để có các con chữ cân đối, các bộ thủ sau còn chịu các biến đổi, như tách đôi, và cũng để đơn giản có nhiều bộ thủ dùng chung một hình vẽ.

 

 

 

 

Phương cách học để nhớ nhiều chữ Hoa.

 

Theo kinh điển, người Hoa có 6 cách tạo ra các chữ Hoa gọi là lục thư 六書. Đó là:

 

❶ Chữ tượng hình 象形文字, dạng chữ này lấy hình vẽ đặt ra chữ. Dạng chữ này rất dễ học dễ nhớ. Bạn xem các hình vẽ chỉ thân thể, chỉ vật thể và chỉ các vật dụng.

 

 

 

 

 

❷ Chữ chỉ sự 指事文字 hay chữ biểu ý 表意文字, lấy ám chỉ trong các sự việc để tạo ra chữ. Một vài thí dụ:

 

Chữ mộc 木 là chữ tượng hình, nó tạo ra theo hình vẽ, nhưng nếu thêm một gạch 一 bên dưới thành chữ bản 本, có nghĩa là gốc là nền tảng.

 

Chữ thượng 上 và chữ hạ 下 lấy ý nghĩa trên cây, cây mọc lên từ mặt đất rồi ra lá làm chữ thượng 上 và lấy cây mọc ra rễ dưới lòng đất làm chữ hạ 下.

 

Chữ thiên 天, lấy từ chữ nhân 人 là người, thêm gạch ngang là chữ đại 大 nghĩa là lớn, người dand hai tay ra, thêm gạch 一 bên trên nữa dùng để chỉ chữ thiên 天 tức là trời, cái lớn vô cùng bên trên người.

 

❸ Chữ hội ý 会意文字, nhóm các chữ này dùng nghĩa của nhiều chữ ghép lại với nhau để tạo ra chữ có nghĩa mới. Một vài thí dụ:

 

☞ Chữ mộc 木 là cây, ghép hai chữ mộc 木 hiểu ý là lâm 林 là rừng, ghép ba chữ mộc 木 hội ý là sâm 森, ở sâu trong rừng.

 

☞ Chữ điểu 鸟 là hình vẽ con chim, chữ khẩu 口 là hình vẽ cái miệng, ghép chữ khẩu 口 với chữ điểu 鸟 để tạo ra chữ minh 鸣, minh có nghĩa là tiếng hót của loài chim, trong loan phượng hòa minh, là loài chim loan chim phượng cùng hót.

 

☞ Chữ thủ 取 là cằm nắm lấy, ghép từ chữ nhĩ 耳 là hình vẽ cái lổ tai với chữ hựu 又 là bàn tay, dùng tay dắt con vật về nhà là chữ thủ 取, hay còn đọc là thâu.

 

☞ Chữ nhật 日 là mặt trời, chữ nguyệt 月 là mặt trăng, chữ mãnh 皿 là chén, bát, ghép ba chữ nhật 日, nguyệt 月, mãnh 皿 tạo ra chữ hội ý là minh 盟, minh này có nghĩa là kết giao như trong chữ đồng minh 同盟, cùng nhau ăn thề dưới vầng nhật nguyệt.

 

☞ Chữ y 醫,(医 dạng giản thể), ghép chữ khuôn 匚 là cái vỏ làm bằng tre, với chữ thỉ 矢 là mũi kim, kim châm, với chữ thù 殳 là lưỡi dao và chữ dậu 酉 là các loại thuốc góc rượu và tạo ra chữ y 醫, y có nghĩa là người hành nghề chữa bệnh với kim dùng châm cứu, dao dùng mỗ xẻ và các thứ thuốc uống có họ rượu.

 

☞ Chữ khốn 困, ghép hội ý bởi chữ vi 囗, nghĩa là bị bao dây và chữ mộc 木 là cây , chữ khốn 困 có nghĩa là gặp khó khăn ý nói giống như loại cây trồng trong các chậu không còn đủ đất để phát triển nữa.

 

☞ Chữ nghị 毅, ghép từ chữ lập 立, có nghĩa là đứng thẳng, với chữ chư 豕, có nghĩa là loài heo rừng và chữ thù 殳 là mũi dáo, nghĩa hội ý của chữ nghị 毅 là chỉ người can đảm, gan lớn dám một mình chống lại loài thú dữ.

 

☞ Chữ quốc 國, (国 dạng giản thể) ghép từ chữ vi 囗, chỉ vùng đất hay lãnh thổ, với chữ khẩu 口 chỉ con người, tức nhân dân, chữ qua 戈, là vũ khí ý ám chỉ cơ cấu chính quyền và chữ nhất 一, nghĩa là một. Vậy chữ quốc hội ý là nước phải có lãnh thổ 囗, nhân dân 口, chính quyền 戈 và cả 3 phải thống nhất 一. Nếu không hội đủ các điều kiện này thì không thể gọi là quốc hay nước được.

 

☞ Chữ vi 囗 có nghĩa là bị bao dây, chữ nhân 人 có nghĩa là người, chữ tù 囚, hội ý là người bị nhốt lại, ngồi tù.

 

☞ Chữ tù 囚 là người bị bao dây, ghép với bộ thủy 水 (氵) sẽ tạo ra chữ theo cách hội ý là lội 泅, lội nghĩa là bơi lội, chung quanh người đều là nước.

 

 

❹ Chữ hình thanh 形声文字, sau khi đã dùng cách thức vẽ hình tạo ra chữ rồi dùng kiểu hội ý để tạo ra thêm rất nhiều chữ nữa, lúc này các chữ quen dùng đã có các âm đọc qui ước rồi, nghĩa là âm đọc do quen chớ không theo qui luật nào cả. Bây giờ người ta tìm cách thêm phần biểu âm vào chữ, nghĩa là trong chữ có thêm phần chỉ âm đọc, phần còn lại của chữ dùng để chỉ nghĩa, lúc này chúng ta có nhóm chữ hình thanh, số chữ nhóm hình thanh có đến 80% trong các chữ Hoa. Chúng ta thử xem một vài thí dụ:

 

☞ Chữ này 未 đọc là chữ vị, có nghĩa là chưa đến, như trong chữ vị thành niên 未成年, chưa thành niên hay vị lai 未来 việc chưa đến. Nhưng khi cho ghép với bộ khẩu 口, có nghĩa là cái miệng, thì chúng ta có chữ hình thanh này 味, nó vẫn đọc là âm vị, nhưng có nghĩa là mùi vị 味道, vị là cái biết được nhờ lưỡi trong miệng nên cho ghép với bộ khẩu. 

 

☞ Chữ này  水 đọc là thủy, khi dùng làm bộ thì đổi dạng 氵 và luôn cho nằm bên trái của chữ, nước có thuộc tính trong. Chữ này 青 đọc âm là thanh, có nghĩa là màu xanh lá mạ, màu cyan ghép giữa màu blue (lam 蓝) và green (lục 绿), nhưng khi ghép theo cách hình thanh, chúng ta sẽ có chữ này 清, cũng đọc là âm thanh, nhưng nó có nghĩa mới là trong, không còn nghĩa là màu xanh nữa.

 

☞ Chữ này 马 (馬 chữ phồn thể)  là hình vẽ con ngựa với bờm và 4 chân tung gió tạo ra chữ tượng hình là mã, khi cho ghép với bộ nữ 女, thì tạo ra chữ này 妈 (媽) đọc là ma, có nghĩa là mẹ, khi ghép với hai bộ khẩu 口 là miệng đặt ở trên để có chữ này 骂 (罵), nó có nghĩa là mắn chửi phải dùng đến hai cái miệng, nhưng cũng đọc là mạ, trong nhục mạ 辱罵. 

 

 

❺ Chữ chuyển chú 转注文字,Người ta còn dùng cách liên hệ để chuyển nghĩa của các chữ, nhóm chữ này không nhiều. Bạn xem thí dụ sau:

 

☞ Chữ dược 藥 có nghĩa là thuốc, nó được tạo ta từ chữ nhạc 樂, nghĩa là âm nhạc tạo niềm vui, cho gắn thêm bộ thảo 艸 ở bên trên, 藥 nghĩa là thuốc làm cho người ta hết bệnh và đưa đến có nhiều niềm vui.

 

 

❻ Chữ giả tá 假借文字, do không phải tạo ra quá nhiều chữ mới, người ta cũng dùng một chữ với nhiều nghĩa khác nhau. Nhóm chữ giả tá, có nghĩa là mượn chữ này nói nghĩa khác, không nhiều. Bạn xem một vài thí dụ sau:

 

☞ Chữ trường 長, có nghĩa là dài, trong trường kiếm 長劍, nó được mượn dùng làm chữ trưởng 長 có nghĩa là lớn 長輩, trong trưởng bối.

 

☞ Chữ hành 行, ghép bởi bàn chân trái và bàn chân phải nên có nghĩa là đi, 行道 hành đạo, nhưng nó còn được mượn làm ra chữ hạnh 六行 trong lục hạnh, chữ hãng 行家 trong nhà hãng.

 

 

Trên đây tôi tóm tắt 6 cách kinh điển của người xưa dùng tạo ra chữ Hoa, chúng ta vẫn nghiên cứu và tìm hiểu rõ 6 cách nầy, nhưng còn có thể tìm ra nhiều cách học riêng khác nữa để tự mình làm tăng khả năng nhớ được nhiều chữ hơn, đó là các qui tắc mà tôi lần lượt trình bày dưới đây.

 

 

 

Sau đây là các thuật tôi dùng để tự học, nhờ đó nhớ được nhiều chữ Hoa

(cùng trao đổi kinh nghiệm với Bạn).

 

 

 

Bước 1: Học bộ. Trước hết chúng ta cho gắn bộ vào một hình ảnh cách điệu để dễ nhớ.

 

Như hình sau:

 

 

Chữ nhật  gắn với hình mặt trời.

 

Chữ nguyệt  gắn với hình mặt trăng.

 

Chữ sơn  gắn với hình núi non.

 

Chữ thủy  gắn với hình dòng sông.

 

Chữ khẩu  gắn với hình cái miệng

 

Chữ điểu  (: dạng phồn thể) gắn với hình vẽ con chim.

 

Chữ mã  (: dạng phồn thể) gắn với hình vẽ con ngựa

 

Chữ hỏa 火 gắn với hình ngọn lửa đang cháy.

 

 Chữ thủ  gắn với hình bàn tay người.

 

Chữ thổ  gắn với hình mặt đất.

 

Chữ mộc  gắn với hình cái cây.

 

Chữ nhân 人 gắn với hình người.

 

Chữ mục 目 gắn với hình con mắt.

 

Chữ miên  gắn với hình mái nhà.

 

Chữ môn  (: dạng phồn thể) gắn với hình cánh cửa.

 

 

 

Bước 2: Tìm ra các qui luật cho ghép bộ tạo ra các chữ mới.

 

 

Từ các bộ thủ đơn lập hoàn chỉnh trên, Bạn có thể tìm ra các qui luật tổ hợp các chữ này lại và tạo ra các chữ mới. Thí dụ:

 

Cách 1: Theo qui luật phát triển theo số.

 

 

Chúng ta sẽ dùng qui tắc từ một chữ cho phát triển thành 2 chữ rồi 3 chữ và rồi tìm nghĩa củaq các chữ nầy. Dưới đây là các thí dụ:

 

* Một chữ nhân  là người, hai chữ nhân là tòng , tòng là đi theo, và ba chữ nhân là chúng, chúng là nới có nhiều người.

 

* Một chữ mộc  là cây, hai chữ mộc là lâm , lâm là rừng, nơi có nhiều cây, và ba chữ mộc là sâm , sâm có nghĩa là ở sâu trong rừng.

 

* Một chữ khẩu  là miệng, hai chữ khẩu là lữ , là họ hay một nốt nhạc, ba chữ khẩu là phẩm, là chất lượng lấy qua ý kiến của nhiều người.

 

 * Một chữ nhật  là ngày hay mặt trời, hai chữ nhật là xương  sáng láng tốt lành, ba chữ nhật là tinh , lấp lánh, tinh thể.

 

 

  

Cách 2: Theo qui luật vận động.

 

Các chữ khi ghép với nhau theo qui luật vận động thì sẽ tạo ra các chữ Hoa mới. Xem vài thí dụ:

 

 

Chữ nhật 日 là mặt trời và chữ mộc 木 là cây. Khi chữ nhật 日 nằm bên dưới chữ mộc 木 nó là chữ yêu 杳, yêu có nghĩa là tối tăm, vì lúc này mặt trời chưa lên nên còn tối. Khi chữ nhật 日 lên ngang giữa chữ mộc 木 thì chúng ta có chữ đông 東, đông là hướng đông nơi mặt trời lên. Khi chữ nhật 日 lên trên ngọn cây 木 thì chúng ta có chữ quả 果, quả là chín, là đã tới và khi mặt trời 日 lên cao hơn ngọn cây 木 thì lúc đó chúng ta có chữ cảo 杲, nó có nghĩa là sáng chói lọi.

 

 

Cách 3: Chiết tự (nghĩa là tách chữ ra nhiều phần) để tìm nghĩa của chữ.

 

Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều chữ trong một chữ, dùng cách học này khi chúng ta học một chữ mới sẽ cùng lúc biết được nhiều chữ khác có liên quan. Đây là cách học rất hay sẽ giúp cho chúng ta phát triển tư duy, làm tươi bộ óc và luôn làm thay đổi cách nhìn các sự vật theo năm tháng. Vài thí dụ:

 

Chúng thử chiết tự chữ điện 電 (电) để tìm hiểu nghĩa của nó:

 

 

Chữ điện  được hiểu là sự huyền bí của tạo hóa chỉ xuất hiện lúc trời có mưa, lúc này đứng trên đồng ruộng sẽ xuất hiện rất nhiều các tia chớp bí ẩn khó hiểu. Từ chữ điện, chúng ta thấy có liên quan đến các chữ sau:

 

Chữ nhất:  , nhất là một, vạch ngang, khi đặt nằm bên trên con chữ, nó cũng có thể hiểu là trời cao.

 

Chữ quynh:  , quynh là khoảng rộng, vùng vũ trụ bao quanh chúng ta.

 

Chữ thủy:  , thủy là nước.

 

Chữ Vũ:  , vũ là mưa, ý nói nước từ trên cao rơi xuống.

 

Chữ vi:  , vi là vùng đất bao quanh chúng ta.

 

Chữ thập:  , thập là mười, ở đây hiểu là các vạch chia ngang và các vạch chia dọc.

 

Chữ điền:  , điền là ruộng, đó là vùng đất đã được phân chia theo ô.

 

Chữ lôi:  , lôi là tiếng sấm nghe trên đồng ruộng mỗi khi trời có mưa.

 

Chữ ất:  , ất là sự huyền bí, khó hiểu. 

 

Bạn thấy trong chữ điện tiềm ẩn bao ý tưởng mà người xưa đã ký gởi trong đó. Khi học các chữ Hoa chúng ta nên chiết tự tìm nghĩa và sẽ thấy được rất nhiều điều hay lạ. Cái hay nữa là học một chữ mà biết được nhiều chữ, đó chính là cái hay của chữ trong chữ vậy.

 

 

 Chúng ta chiết tự chữ phú 富 xem có gì trong chữ này.

 

 

 

 

Mới nhìn chữ phú 富, chúng ta có cảm tưởng nó được ghép bởi các chữ, như miên 宀 + nhất 一 + khẩu 口 và + điền 田 . Nhưng nếu theo nghĩa của chữ mà giải thích thì phú 富 là chỉ các gia đình có ruộng đất cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi. Chữ miên 宀 dùng chỉ mái nhà tức gia đình, chữ điền 田 dùng chỉ thửa ruộng trước nhà, nhìn gần nó là các thửa đất còn thấy đường phân chia, xa hơn một chút cũng là ruộng, biểu thị bằng chữ khẩu 口, đến chữ nhất 一 là đã ở cuối chân trời. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy chữ phú 富 là chỉ các gia đình giàu sang, có ruộng đất nhiều không đếm hết, do vậy ai cũng muốn mình trở thành phú gia 富家.

 

Trong chữ phúc 福, thì dùng hình ảnh ruộng đất chạy tít đến chân trời, cho ghép với chữ kỳ 示 ở bên trái, kỳ là thần linh. Ý muốn nói là con người cầu thần thánh ban cho mình sự giàu có, trở thành phú gia 富家 dư ăn dư mặt. Chúng ta coi cách chơi chữ của người xưa.

 

 

 

Chữ Hoa và cách chơi chữ. Bạn xem hình sau:

 

 

Hình trên là 4 chữ "chiêu tài tấn bữu" 招 財 進 寶 cho nhập lại thành một chữ (dĩ nhiên chữ này chưa có âm đọc riêng, vẫn đọc là chiêu tài tấn bữu, như vậy một chữ mà có đến 4 âm đọc) và thường được gắn trên các tờ hình dùng để treo trong nhà. Nghĩa của 4 chữ này là cầu tài, mong điều tốt lành.

 

 

Chúng ta chiết tự chữ hảo 好. Bạn xem bảng phân tích sau:

 

 

Chữ 好 rất được ưa dùng, chữ này có tần suất dùng rất cao, chữ hảo 好 gồm có 2 bộ, chữ nữ 女, là con gái đẹp ghép với chữ tử 子, là con trai khỏe mạnh. Hai bộ này đều là chữ tượng hình, chữ lấy từ hình vẽ, nó có hình vẽ rất đặc biệt. Hình vẽ nữ 女 là người con gái quỳ xuống, vòng hai tay lại tạo hình quả tim cũng là một cái lõm 凹 dùng để bắt giữ, nữ 女 là thể thu nhận vào. Hình vẽ trai 子 là người đứng thẳng mở rộng hai tay tạo thành hình cái lồi 凸 dùng để ban phát, tử 子 là thể phát ra. Trên cõi vạn vật này sự kết hợp hài hòa đồng điệu giữa cái cho 子 và cái nhận 女 sẽ làm sản sinh ra muôn loài, đó là cái ẩn ý cao siêu của chữ hảo và cũng là cái huyền bí kỳ diệu của tạo hóa vậy. 

 

 

Chúng ta chiết tự 2 chữ thời gian 時間 (时间 chữ thời gian dạng giản thể, chữ giản thể dùng ít nét viết hơn), Bạn xem trong đó nói gì?

 

 

 

 

Chữ thời 時 gồm có chữ nhật 日, ý nói mặt trời chiếu sáng, chữ thổ 土, ý nói trên mặt đất, chữ thốn 寸, là tấc tức thước dùng đo chiều dài. Vậy chữ thời 時 được hiểu là đo cái chiều dài của các bóng cây mà cùng nhau xác định thời khắc.

 

Chữ gian 間 gồm có chữ môn 門, ý là nói hai cánh cửa, chữ nhật 日, mặt trời. Vậy gian 間 ý chỉ bóng mặt trời đi qua ngoài cửa. 

 

Vậy thời gian 時間 có liên quan đến chuyển động của mặt trời, không phải sao? Chúng ta có các câu nói như xế bóng, đứng bóng, ngã bóng... Đó là một cách dân gian xưa nay dùng qui định về thời gian.

 

 Viết đến đây tôi nhớ hai câu thơ chơi chữ của nhà thơ Nguyễn Công Trứ dùng mở đầu trong bài thơ chữ Nhàn. Nếu Bạn hiểu chữ Hoa, Bạn sẽ đọc hai câu thơ này với sự thích thú kỳ lạ. Đó là: 

 

Thị tại môn tiền náo,           市在門前鬧

Nguyệt lai môn hạ nhàn.      月來門下閒

...

 

Tôi ghi lại các chữ Hoa dùng trong hai câu thơ này, như sau:

 

 

 

Chúng ta chiết tự chữ hành 行, xem ý người xưa muốn nói gì trong chữ này. 

 

 

Chữ hành 行, theo cách hội ý dùng hình vẽ hai bàn chân ghép lại tạo ra chữ hành. như vậy khởi đầu hành 行 có nghĩa là bước đi của hai bàn chân. Như trong câu: tam hành nhân, tức hữu ngã sư, 三人行必有我師, trong 3 người cùng đi, trong đó ắt có thầy ta (theo sách Luận ngữ 論語). Sau này hành 行 cũng có nghĩa là làm, như câu: tri hành hợp nhất, 知行合一, nghĩa là biết và làm phải là một, biết phải làm được và làm là phải biết. Theo người xưa, hành 行 còn dùng chỉ 5 thứ tạo ra vũ trụ, đó là ngũ hành 五行, như kim 金 mộc 木 thủy 水 hỏa 火 thổ 土. 

 

 

 

Bước 3: Nhìn hình thấy chữ, nhìn chữ thấy hình.

 

Chúng ta biết chữ Hoa vốn là dùng hình vẽ theo sự và vật để diển ý. Do đó chúng ta sẽ tìm ra các nhóm chữ có gắn hữu cơ với các hình ảnh, từ đó nhìn hình thấy chữ và nhìn chữ thấy hình, dùng cách này chúng ta cũng sẽ nhớ được rất nhiều chữ. Tôi đơn cứ một số thí dụ:

 

 

 

Nhìn chữ nhất  thấy hình một que cây.

 

Nhìn chữ nhị  thấy hình hai que cây.

 

Nhìn chữ tam  thấy hình ba que cây.

 

Nhìn chữ thượng  thấy hình cây mọc lên và ra lá.

 

Nhìn chữ hạ  thấy cây đâm xuống đất và ra rễ.

 

Nhìn chữ hỏa  thấy hình các ngọn lửa cháy bập bùng.

 

Nhìn chữ sơn  thấy hình ba ngọn núi cao.

 

Nhìn chữ thủy  thấy nước chảy trong dòng sông.

 

Nhìn chữ trung  thấy tên bắn trúng ngay điểm giữa.

 

Nhìn chữ xuyên  thấy dây xỏ xuyên qua lỗ các vòng.

 

Nhìn chữ môn  thấy hai cánh cửa đóng vào mở ra.

 

Nhìn chữ điền  thấy hình mãnh ruộng chia ngang xẻ dọc.

 

Nhìn chữ nhĩ  thấy hình vành tai.

 

Nhìn chữ mục  thấy hình con mắt.

 

Nhìn chữ dương  thấy hình mặt mắt tai râu của con dê.

 

Nhìn chữ mã  thấy hình con ngựa đang tung bốn gió.

 

Nhìn chữ ngư  thấy hình con cá.

 

Nhìn chữ điểu  thấy hình con chim.

 

...

 

Nhìn chữ ngủ  thấy hình ngồi tréo hai chân, số 5.

 

Nhìn chữ ao  thấy hình chổ lõm xuống, chỉ ao hồ.

 

Nhìn chữ đột  thấy hình chổ nhô cao, chỉ mô đồi.

 

Nhìn chữ xa  thấy hình thùng xe và bánh xe.

 

Nhìn chữ châu  thấy hình con thuyền đang trôi trên dòng sông.

 

...

 

 

 

 

Bước 4: Sắp các bộ thủ cùng nhóm, tìm các chữ có quan hệ với nhau.

 

 

Chữ Hoa nhìn sự và vật để tạo chữ, chúng ta biết sự vật thì tuy muôn hình vạn trạng nhưng trong vô số thứ đó cũng có họ có nhóm, có thể xếp loại được. Do vậy khi dùng cách vẽ hình dùng diễn tả các sự và vật, chữ Hoa dùng đến bộ và để xếp chữ, Bạn chỉ cần nhìn ra bộ của chữ là đã ít nhiều đã hiểu được nghĩa của chữ. Trong mục này, chúng ta thử xem vai trò của bộ trong việc phân nhóm các chữ Hoa.

 

 

 

❶ Nhóm các chữ (bộ thủ) có liên quan đến phần đầu của người.

 

 

 

 

Bảng trên cho chúng ta thấy, trong 214 bộ có 13 bộ thủ được dùng để chỉ các bộ phận của phần đầu. Từ 13 bộ thủ này nó sẽ tạo ra nhiều ngàn chữ Hoa, và dĩ nhiên tất cả các chữ Hoa này sẽ đều có liên quan đến bộ thủ. Chúng ta xem một vài thí dụ:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

❷ Nhóm các bộ thủ có liên quan đến phần thân thể của người

 

 

Trên đây là 12 bộ thủ có liên quan đến phần thân thể của con người, như tay, chân, thịt, da, xương, máu, tim... Các chữ Hoa có dùng đến các bộ này thường sẽ có nghĩa liên quan đến phần thân thể của con người. 

 

 

❸ Năm bộ thủ này quen gọi là ngũ hành 五行, từ 5 bộ này sẽ tạo ra rất nhiều chữ Hoa.

 

 

Theo người Hoa, ngũ hành là nền tản tạo ra vạn vật, do đó đây là 5 bộ thủ được dùng để tạo ra rất nhiều các chữ có liên quan đến sự kiến tạo ra vũ trụ. 

 

 

❹ Các bộ thủ cùng nhóm dùng chỉ khoảng không. Như sông, núi, hang, đá...

 

 

Từ các bộ thủ này, người Hoa sẽ tạo ra rất nhiều các chữ Hoa khác có liên hệ đến ý nghĩa của bộ thủ.

 

 

❺ Các bộ thủ dùng chỉ các con vật. Như: chó trâu, bò, chim, ngựa...

 

 

Từ các bộ này ghép với các chữ khác sẽ tạo ra rất nhiều chữ Hoa khác.

 

 

...V.V... Theo cách trình bày trên, Bạn có thể tự sắp nhóm các bộ thủ có ý nghĩa cùng nhóm, đặt gần nhau để tạo ra các nhóm cho dễ học dễ nhớ.

 

 

Khi tự hoc̣ chữ Hoa, Bạn nên để tâm, bỏ ra nhiều thời gian khảo sát 214 bộ thủ, từ 214 bộ thủ này, người ta có thể cho ghép với các chữ khác dùng để thêm nghĩa hay dùng để ghi âm đọc...và người Hoa đã dùng cách này tạo ra rất nhiều rất nhiều chữ Hoa. Đó là đặc điểm quan trọng của chữ Hoa vậy.

 

 

 

Bước 5: Tự tìm cách giải thích các chữ Hoa theo ý riêng. 

 

Chữ Hoa chỉ là các hình vẽ không hơn không kém, mà với các hình vẽ thì ý kiến của mỗi người mỗi khác, ngay cả ý kiến của cá nhân cũng thay đổi theo tuổi tác, nhỏ tuổi nhìn khác lớn tuổi nói khác và về già lại có cảm nhận khác. Để có thể nhớ được nhiều chữ Hoa, chúng ta có thể tự mình "áp đặt" các ghi nhận của riêng mình lên các con chữ, cách học này có tác dụng luôn "làm tươi" nhận thức của bản thể, nó vừa có lợi trong việc nhớ được nhiều chữ vừa có lợi cho sự ghi nhận sự trưởng thành trong lý luận, cái quan trọng nhất là nó tạo cho bộ óc luôn luôn ở trạng thái động theo hướng tích cực, tránh được sự lão hóa, già não. Chúng ta ai cũng biết, tâm thì cả đời vận động, không lúc nào là không co bóp cả, nhưng chúng ta phải giữ cho tâm của mình luôn phải tĩnh lặng, nhưng bộ óc thì cả đời không biết nhúc nhíc là gì nhưng chúng ta lại phải luôn làm cho nó hoạt động bằng cách suy nghĩ, tìm tòi, nếu làm ngược lại, để tâm xao động hồi họp liên miên bất tận và để cho bộ não nằm yên lười biếng thì sẽ rất có hại cho sức khẻo lắm lắm. Trong phần này tôi sẽ làm vài thí dụ về các lập luận của riêng tôi trên các con chữ Hoa để thực hiện phương châm là luôn tìm lời giải thích trên các con chữ qua năm tháng, theo tuổi tác.

 

 

 

❶ Chữ "tâm" 心. Đại thi hào Nguyễn Du thì thấy chữ tâm là:

 

Một vành trăng khuyết ba sao giữa trời. 

 

 

Còn tôi lại thấy chữ tâm là một con thuyền nhỏ cả đời trôi trong huyết hải (biển đỏ), lúc tâm bình thì là lúc con thuyền trôi bình thảng, lúc lo lắng hoang mang là lúc con thuyền đi trong sóng to gió lớn. 

 

 

 

 

❷ Chữ "nhẫn" 忍, nhiều người chiết tự giải thích chữ nhẫn là người có sức nén chịu mọi nhục nhằng dù cho có bị dao nhọn đâm vào con tim cũng không ngã lòng, và giải thích thêm hiệu quả của lòng kiên nhẫn là "Bách nhẫn thành kim" 百忍成金, nhẫn được trăm lần sẽ đạt được thành quả như được vàng.

 

 

Sau này khi về già, tôi ngắm chữ nhẫn và thấy nó là con thuyền đang trôi trong dòng đời đầy thử thách, nhưng luôn với cánh buồm no gió và luôn đang đi đúng hướng.

 

 

 

 

❸ Chúng ta thử tìm giải thích cho chữ "hòa bình" 和平. Theo chiết tự chữ hòa 和 gồm có, hòa 禾 là lúa gạo, khẩu 口 là miệng. Vậy có phải người xưa muốn nói chỉ khi mọi người đều có cơm ăn no, lúc đó trong thế giới vạn vật mới có hòa. Còn bình 平, bình là hình vẽ một cái cân, vậy có phải người xưa muốn nói chỉ khi mọi thứ đều công bằng, lúc đó mới có yên tĩnh trong cuộc sống. Vậy thiếu ăn, chổ thì quá thừa mứa, chổ quá thiếu thốn thì thế giới không thể có hoà bình, yên tĩnh?

 

 

 

 

❹ Thử tìm giải thích cho chữ "thư" 書, thư là sách, như lục thư 六書, thư bản 書本. Vậy nhìn chữ thư 書 chúng ta thấy gì? 

 

 

Dùng cách chiết tự chúng ta thấy chữ thư 書 gồm có bộ duật 聿, nghĩa là tay cầm bút để ghi chép và bộ viết 曰, nghĩa là lời nói, chúng ta thường nghe Khổng Tử viết 孔子曰, nghĩa là lời nói của Đức khổng Phu tử. Vậy chúng ta có thể hiểu thư 書 là sách, người xưa dùng nó để ghi và giữ lại các lời nói, các ý tưởng, các sự việc.

 

 

❺ Chúng ta tìm lý cho 3 chữ: chữ hợp 合, chữ đồng 同 và chữ phẩm 品. 

 

 

 

Tất cả mọi người cùng chung một ý tưởng, chung một suy nghĩa là hợp 合, tâm đồng ý hợp 心同意合.

 

Tất cả mọi người đều cùng sống chung với nhau, trong cùng một nơi chốn là đồng 同, như: đồng hương 同鄉, đồng bào 同胞

 

Lấy ý kiến của nhiều người mới biết giá trị của sự việc là phẩm 品, như: phẩm chất 品質

 

 

 

 

 

 ❻ Bây giờ nói qua bộ thủ 手, thủ là tay. Bộ thủ có nhiều mối liên hệ với con người rất đáng tập trung phân tích.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu một số chữ có liên quan đến bàn tay, bàn tay con người, bàn tay thiếu ngón, bàn tay có móng nhọn của các loài vật ...

 

 

  

 

 

 

 

 

 

4. Từ hay chữ và phần phát âm của chữ.

 

 

Phần sau đây, tôi thử chọn lựa một số chữ Hoa mà dân kỹ thuật điện tử thường dùng để đọc sách hay tra tìm tài liệu trên mạng. Tôi sẽ tạo ra các bản, trong đó có dạng chữ phồn thể và dạng chữ giản thể viết ít nét hơn. Bên cạnh chữ cho ghi phần phiên âm theo con chữ Latin, và sau cùng là phần giải nghĩa ngắn gọn. Mong các bài soạn này sẽ có ích với Bạn 

 

Bạn biết, từ hay chữ nói chung tất cả đều chỉ là các hình vẽ được nhìn bằng mắt, chữ Anh thì viết theo dạng các con chữ ký âm, nhìn chữ biết âm đọc, nhưng không mang nghĩa, còn chữ Hoa thì viết theo dạng biểu nghĩa, nhìn chữ truy ra nghĩa nhưng không có âm đọc. Mỗi dạng chữ điều có cái hay riêng, nhưng với chữ Hoa, ngày nay người ta đã sử dụng thêm phần ký âm, gọi là phiên âm, nhờ có phiên âm đặt bên cạnh các chữ dạng hình vẽ, do đó Bạn có thể đọc được tất cả các chữ Hoa và cũng dễ dàng gõ được các chữ Hoa trên máy vi tính. Sau đây là các bản tra chữ Hoa dùng cho bộ môn kỹ thuật điện tử. (Cũng nói trước với Bạn, đây chỉ là một bài viết chớp nhoáng giới thiệu cách học chữ Hoa của tôi, không phải một công trình biên soạn công phu cho chủ đề này, nên phần biên soạn chỉ đủ đọc đủ hiểu, không thể có đầy đủ tất cả các chữ Hoa mà Bạn muốn tìm ở đây được).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khi Bạn tra chữ Hoa, Bạn sẽ thường thấy đại thể như phần trên, nó gồm có các chữ Hoa giản thể và chữ Hoa phồn thể, bên cạnh các chữ Hoa hình vẽ là ký tự phiên âm, đó cũng chính là âm đọc của chữ Hoa theo âm Quan Thoại và nó cũng được dùng để gõ trên bàn phím vi tính để lấy các chữ Hoa ra cho hiện ra trên màn hình. Đó là công việc Bạn phải tự luyện tập cho quen nếu muốn xem được chữ Hoa và nói được tiếng Hoa.

 

Tóm lại, Bạn phải tìm nhiều cách học để hiểu càng nhiều chữ Hoa càng tốt, nếu nhận dạng được trên 2500 chữ là Bạn có thể xem sách kỹ thuật điện tử được. Nếu biết cả phần phát âm các chữ này Bạn sẽ nói được tiếng Hoa dễ dàng. Đơn giản chỉ có vậy, Bạn có làm được không, trong thời hạn là 6 tháng? Theo tôi, với người Việt việc này không quá khó... Thử xem!

 

 

 

Một ý tưởng nhỏ:

 

Khi tự học chữ Hoa, tôi nhìn chữ Hoa chỉ là những hình vẽ mang nghĩa, không có âm đọc. Do đó nếu xét về mặt "tiếng" thì chữ Hoa rất hạn chế, vì nhìn chữ không đọc được âm, hơn nữa tiếng Hoa cũng giống như tiếng Việt lại phát theo đơn âm tiết, nên xuất hiện trường hợp "đồng âm dị nghĩa" rất phổ biến, cùng một âm tiết mà không biết Bạn muốn nói gì, điều này chúng ta cũng thường gặp trong tiếng Việt. Nhưng bù lại, chữ Hoa vốn là các ký hiệu hình vẽ nhận biết bằng mắt nên trong con chữ có thể mang lượng thông tin rất nhiều, nhiều hơn tiếng nói nghe bằng tai rất nhiều, đó là một ưu điểm của chữ Hoa lấy hình làm chữ, không theo âm đọc.   

 

Câu hỏi: Vậy người Hoa họ giải quyết vấn đề "đồng âm dị nghĩa" bằng cách nào?

 

Cách hiện đang làm là ghép các từ lại thành nhóm, một nhóm gồm nhiều chữ rồi dùng nó như một chỉnh thể, làm vậy sẽ tránh được sự trùng âm, vì sự trùng âm chỉ xuất hiện trên từng con chữ, khó xuất hiện trên một nhóm chữ. Tôi lấy thí dụ:

 

Bạn gõ âm "điện", do hiện tượng cùng âm khác nghĩa, nên không thể biết âm điện mà Bạn muốn nói là "điện" nào. Tôi kể ra 4 chữ có cùng âm điện. Người Hoa cũng gặp vấn đề này, và họ đã phá thế cùng âm khác nghĩa bằng cách tạo ra nhóm từ. 

 

 

Họ cho ghép chữ "điện" với chữ "tử" và chữ "học" tạo thành một nhóm "điện tử học". Họ coi chữ điện tử học là một chỉnh thể và đặt cho nó âm là điện tử học "dianzixue", nhờ vậy tránh bị trùng âm.

 

Chữ điện não 電腦 là một chỉnh thể có âm là điện não "diannao", hay nghĩa là máy tính, với âm "diannao" sẽ ít bị trùnh âm hơn.

 

 

Đó là cách làm hiện nay của chữ Hoa nhầm phá thế trùng âm khác nghĩa vốn rất khó chịu có trong các ngôn ngữ đơn âm tiết, như trong tiếng Hoa, tiếng Việt.

 

Bạn thấy gì trong cách làm này?

 

Tạo ra một nhóm chữ để ghép các đơn âm của từng chữ lại tạo ra một chỉnh thể đa âm tiết để tránh bị trùng âm khác nghĩa, Cách làm này cũng tạm chấp nhận được. Nhưng ở đây lại xuất hiện một biến cách rất đáng được bàn luận xem xét, đó là thay vì phải ghép nhiều chữ để tạo ra chỉnh thể đa âm tiết, bây giờ chúng ta ghép nhiều chữ tạo ra một con chữ có âm đọc là đa âm tiết, cách làm này vừa phát huy được sức mạnh của hình vẽ mà cũng phá được hiện tượng cùng âm khác nghĩa. Tôi làm thí dụ:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ câu chuyện "Tự học chữ Hoa" bây giờ chúng ta nói qua các ký hiệu dùng trong bộ môn điện tử.

 

Có thể xem các ký hiệu dùng trong ngành điện tử cũng là dạng hình vẽ mang nghĩa không có âm đọc. Tuy nhiên các ký hiệu này thường chỉ mới còn ở dạng đơn thể, chưa phát triển lên dạng phức thể, do đó các ký hiệu này không thể dùng diễn đạt được nhiều ý tưởng phức tạp hơn. Chúng ta thử mở rộng thêm qua các dạng ký hiệu phức thể xem sao?

 

 

 

Trong bảng trên Bạn thấy trong môn điện tử, cũng như trong nhiều môn học khác người ta đã dùng nhiều hình vẽ để cho nó mang một ý tưởng mình muốn, trong hình vẽ chỉ có nghĩa mà không có âm đọc, tùy theo âm của mỗi nước mà nó có cách gọi khác nhau. Đó chính là dạng thức mà người Hoa đã dùng để làm ra chữ Hoa. Và cũng từ các lý luận lấy trong chữ Hoa, chúng ta có thể  chú ý đến các điểm sau đây mỗi khi chọn ký hiệu cho môn điện tử học.

 

1. Chọn hình vẽ phải có nhiều ý nghĩa, hình phải mang được nhiều thông tin có liên quan đến vật thể.

 

2. Các hình tổ chức theo bộ, bộ là những đơn thể hoàn chỉnh, nhờ đó có thể phát triển thành các ký hiệu mới, mà không phải dùng hình vẽ mới.

 

3. Tăng cường các ký hiệu dạng phức thể để cho cách trình bày diễn ý được ngắn gọn hơn.

 

Một vài thí dụ: Thử tạo ra các ký hiệu phức thể dùng trong môn điện tử học.

 

 

 

Nếu có thể chúng ta sẽ tạo ra các ký hiệu phức thể, dĩ nhiên phải tìm ra các qui tắc tạo ký hiệu mới để được thống nhất. Qua vài thí dụ trên chúng ta tạo ra vài ký hiệu mở rộng, khi đã có nhiều ký hiệu rồi lúc đó có thể diễn ý bằng các hình vẽ này, không cần phải dùng tiếng, vì tiếng nói của mỗi nước mỗi khác, nhưng hình vẽ thì tất cả đều sẽ hiểu như nhau, đó là cái lợi lớn nhất của dạng chữ viết hình vẽ vậy.

 

Vui lòng để lại bình luận
  • online support profile

    vivian.wang.yun

    Kinh doanh linh kiện và thiết bị ngành điện tử và điều khiển điện
Top